"Nhóm cấp tiến tại quốc hội rút lại lá thư gần đây gửi tới Nhà Trắng liên quan vấn đề Ukraine. Bức thư vốn được soạn từ vài tháng trước, nhưng không may bị nhân viên công bố mà không xem lại", Pramila Jayapal, chủ tịch nhóm nghị sĩ cấp tiến tại quốc hội Mỹ, cho biết hôm 25/10.
Bức thư được công bố hôm 24/10 của nhóm 30 nghị sĩ kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden thay đổi chiến lược cho khủng hoảng Nga - Ukraine, theo đuổi đàm phán với Moskva trong khi vẫn hỗ trợ Kiev.
Bức thư này khiến một số đảng viên Dân chủ cảm thấy bất ngờ trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra vào ngày 8/11, sẽ xác định đảng nào kiểm soát quốc hội. Thời điểm này cũng xuất hiện mối lo ngại rằng đảng Cộng hòa có thể giảm viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine nếu chiếm thế đa số.
Một số nghị sĩ ký vào bức thư cho biết họ ủng hộ nội dung bức thư từ nhiều tháng trước, nhưng mọi thứ đã thay đổi.
"Thời điểm trong ngoại giao là quan trọng nhất. Tôi ký bức thư này hôm 30/6, nhiều điều đã thay đổi từ lúc đó. Tôi hiện không muốn ký nữa", nghị sĩ Sara Jacobs đăng trên Twitter.
Bức thư của nhóm nghị sĩ Dân chủ cho rằng ông Biden cần "kết hợp đồng thời giữa duy trì hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine với chủ động thúc đẩy ngoại giao, gấp đôi nỗ lực tìm kiếm khuôn khổ cho một lệnh ngừng bắn". Họ kêu gọi Mỹ làm việc trực tiếp với Nga để tìm ra giải pháp "có thể chấp nhận được đối với người dân Ukraine".
Khi được hỏi về bức thư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói "không ai mong cuộc chiến kết thúc nhiều hơn Ukraine, nhưng chưa rõ khi nào điều này mới diễn ra, chủ yếu do Nga chưa có động thái nào cho thấy họ sẵn sàng ngoại giao và đối thoại".
Xung đột tại Ukraine thay đổi rõ nét từ hồi tháng 8 khi Kiev tuyên bố mở chiến dịch phản công nhằm tái chiếm những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Căng thẳng tiếp tục dâng cao hồi tháng 10 khi Nga tung đòn tập kích dồn dập vào Kiev và các thành phố khác tại Ukraine. Nga cũng tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia, Kherson và thiết quân luật tại những khu vực này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong khi đó ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng vẫn để ngỏ đối thoại với "tổng thống khác của Nga".
Mỹ đã cam kết hỗ trợ khoảng 66 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại nước này cuối tháng 2, trong đó khoảng 17,6 tỷ USD là viện trợ quân sự, với nhiều khí tài hạng nặng như hệ thống pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777 và máy bay không người lái chiến đấu.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)