Họ gặp khó bởi quy trình xử lý công việc bất hợp lý từ một số cơ quan ban ngành liên quan. Chính các cơ quan đó cũng xác định doanh nghiệp bị oan. Nhưng không ban ngành nào trong số đó đứng ra giải quyết. Trái bóng bị đá đi lòng vòng hàng năm, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp...
Một chuyên gia kinh tế trẻ, có uy tín đã tự mình tổng hợp vấn đề của doanh nghiệp này và kiến nghị lên chính phủ giải quyết. Anh làm rõ hai vấn đề trong câu chuyện: Đối thủ cạnh tranh không lành mạnh gây khó khăn và một nhóm cán bộ nhà nước né tránh giải quyết.
Tôi mới được biết câu chuyện và tình cờ gặp anh bạn trẻ này trong chuyến công tác vừa rồi. Tôi hỏi vì sao bạn lại làm như vậy dù không hề thân thiết với doanh nghiệp kia?
Chuyên gia này trả lời: “Tôi làm thế không phải chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mà là cùng chính phủ xây dựng môi trường tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trong lâu dài. Tôi không ngại các trở lực từ dư luận về cái gọi là 'mối quan hệ lợi ích nhóm' và sẽ quyết tâm thực hiện sự tử tế này”.
Vì sao tôi ấn tượng bởi câu chuyện? Bởi trong nhiều năm làm việc giữa môi trường doanh nghiệp và chính quyền, tôi chứng kiến có nhiều người biết các sự việc đã được cơ quan nào đó tiến hành không đúng nhưng chưa chắc họ đứng ra bảo vệ. Những tư duy và hành động như người cán bộ trẻ trên quá ít.
Có những cán bộ nhà nước, khi được doanh nghiệp khiếu nại hàm oan của họ, trả lời: “Vì tôi với ông quen nên tôi không dám giải quyết. Kể cả làm đúng người ta cũng có thể nghĩ sai”.
Tôi luôn tâm niệm rằng dĩ nhiên với cái xấu, đại diện cả phía doanh nghiệp lẫn nhà nước không bao giờ được phép thỏa hiệp. Nhưng tâm lý né tránh cái đúng còn nguy hại hơn.
Thay vì người ta có cơ hội đứng ra để chữa cho cái sai thành cái đúng thì người ta né tránh cái sai. Doanh nghiệp không có đường ra, một số nơi đã chọn cách phải "đi đêm" với chỗ nào đấy để tự cứu mình. Vì có người vẫn tìm cách "đi đêm" nên có người vẫn hành xử kiểu “xin-cho”. Và vì họ cho cả những thứ mình không có quyền nên phạm pháp.
Phố biến nhất, dư luận rất sính quy kết cho cụm từ “lợi ích nhóm”. Nhưng cách mà chúng ta sử dụng khái quát về “lợi ích nhóm” đang chưa chính xác. “Lợi ích nhóm” khi được thực thi đúng lẽ phải và pháp luật sẽ đem lại điều tích cực.
Việc sợ khái niệm “lợi ích nhóm” khiến cho người ta không dám thiết lập cả những mối quan hệ tương hỗ lành mạnh, bảo vệ nhau khỏi oan trái và thúc đẩy phát triển.
Người Việt Nam có câu rất hay: buôn có bạn, bán có phường. Đó không phải “nhóm lợi ích” hay “lợi ích nhóm” theo nghĩa tiêu cực hiện nay. Trong lý thuyết về quản trị hiện đại, mối quan hệ tốt với các bên liên quan là một lợi thế trong cạnh tranh. Nó hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp. Các nhà quản lý chuyên nghiệp đều phải học hoặc biết qua một môn học gọi là “quan hệ công chúng”. Quan hệ tốt hình thành các cộng đồng hay nhóm, và khi các cộng đồng hay nhóm chia sẻ lợi ích với nhau thì gọi là nhóm lợi ích (interest group). Có nhóm nhỏ, có nhóm lớn. Có nhóm tiêu cực, hẳn có nhóm tích cực.
Có các nhóm về quyền lợi động vật như “Hội cư xử Đạo đức đối với động vật (PETA)”. Có cả các nhóm quan tâm tới môi trường như “Hòa bình xanh”. Và đông đảo nhất, là các nhóm về con người, ví dụ: Hội đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ và trẻ em, người lao động, các nhóm lợi ích vì quyền lợi của những nhóm người yếu thế trong xã hội. Những nhóm này hoạt động không phải lợi ích tự thân của nhóm mà vì lợi ích của công chúng.
Nằm trong nhóm thứ ba này là các nhóm lợi ích doanh nghiệp, công ty và hiệp hội thương mại. Ở Mỹ, họ đại diện cho một nửa số nhóm lợi ích ở Mỹ, nên các nhóm này có sức mạnh thực sự. Các công dân bình thường có thể tiếp xúc chính phủ thông qua kênh chính là các nhóm lợi ích. Tiếng nói của họ được chính quyền lắng nghe và thay đổi.
Còn ở Việt Nam hiện nay, có lẽ do nhiều nguyên nhân, công luận hiện mặc định “nhóm lợi ích” là xấu, là chia sẻ những ích lợi tiêu cực.
Tôi tin không có bất cứ doanh nghiệp nào khi thành lập ra với sự đầu tư tâm huyết của biết bao nhiêu người - có khi là cả cuộc đời - lại muốn có một đoạn kết như các bản án.
Thái độ phê phán nhóm lợi ích tiêu cực là cần thiết. Nhưng để xây dựng một nền kinh tế bền vững thì cần tư duy, cần thái độ kiến tạo và liêm chính của người quản lý. Liêm chính không chỉ là từ chối thỏa hiệp với cái sai mà còn không né tránh cái đúng.
Quan chức, doanh nghiệp “đi đêm” tất nhiên là không công khai. Nhưng nghịch lý hiện nay, là những người tử tế với hành động tử tế, cũng không dám xuất hiện. Nhiều người tốt, đặc biệt trong giới doanh nhân và chính quyền, sợ tiếng nói và hành động của mình là thiểu số, sợ bị dư luận cô lập. Họ sợ “gạch đá” nên chọn “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Người ta lên án “nhóm lợi ích xấu” nhưng sự né tránh cái đúng khiến cho các “nhóm lợi ích tốt” không thể được hình thành.
Mở đường cho một cái nhìn tích cực hơn về quan hệ chính quyền - doanh nghiệp - người dân sẽ giảm đi sự phát sinh của các nhóm lợi ích xấu.
Có rất nhiều người cho rằng có một nhóm lợi ích cho tất cả mọi người, đó là nhóm yêu nước.
Nếu tất cả người dân trong “nhóm lợi ích 96 triệu”, ai cũng thắp lên một que diêm, thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối, thì cục diện đất nước chắc chắn sẽ chuyển biến tích cực.
Phạm Phú Ngọc Trai