Bùi Mỹ Hạnh đang kể chuyện đời mình. Ảnh: Tiền Phong. |
Xinh đẹp, đang độ tuổi 20 phơi phới, năm 1998, Bùi Mỹ Hạnh ở vùng biển Vân Đồn (Quảng Ninh) lấy chồng với ước mơ giản dị, có một gia đình êm ấm, những đứa con ngoan... Nhưng con gái Hạnh vừa sinh đã đau ốm quặt quẹo, hơn hai tuổi chỉ nặng 7 kg. Cháu bé mắc quá nhiều bệnh, hết cảm sốt lại thối tai, lở loét đầu...
Ngày bé chào đời là khởi đầu cho chặng hành trình đến các bệnh viện của hai mẹ con. Nhưng đến bệnh viện nào ở Quảng Ninh, bác sĩ cũng không tìm ra được nguyên nhân về những chứng bệnh của con Hạnh. Cho đến một ngày, Hạnh đưa con đến viện Việt Nam - Thụy Điển, sau khi đã xem qua các triệu chứng, bác sĩ đưa cháu bé đi xét nghiệm máu.
Cầm kết quả trên tay, bác sĩ hỏi: “Chồng chị có sử dụng ma tuý không?”. Hạnh trả lời: “Trước đây anh ấy từng sử dụng ma túy”. Hạnh nghe giọng bác sĩ như vọng lên từ một nơi nào đó rất xa: “Con chị bị nhiễm HIV rồi”. Hạnh thấy đất trời chao đảo, hai chân run rẩy muốn quỵ xuống phòng khám.
Hạnh bế con, thu dọn đồ đạc lao ra khỏi bệnh viện như trốn chạy. Có cảm giác trái tim chị bị một bàn tay hộ pháp bóp nghẹt lại khi nhìn vào đôi mắt đen ngơ ngác của con gái.
Chỉ ít lâu sau, chồng con Hạnh ngã bệnh nằm liệt giường. Nhưng nỗi cực nhọc chăm sóc chồng con không buồn tủi bằng những đợt sóng kỳ thị lúc dữ dội lúc âm ỉ nhằm vào gia đình bé mọn của chị. “Cả nhà nó bị “ết” rồi”, tin đó loan nhanh ra cả vùng. Một số người tránh chị như thể HIV lây qua đường không khí.
Tiệm may của Hạnh ngày càng vắng vì chẳng mấy ai muốn mặc quần áo của người có HIV. Chồng mê man, nóng bừng thỉnh thoảng lại muốn uống cốc nước mát, Hạnh mua đá về gửi nhờ tủ lạnh nhà hàng xóm nhưng bị từ chối vì họ sợ lây “ết”.
Tháng 3 và 4/2001, chồng con Hạnh lần lượt qua đời. Hai chiếc quan tài một bé một lớn đi ra khỏi ngõ nhà. Đám tang vắng hoe. Hai người thân nhất đã ra đi, để lại căn nhà trống vắng và một nỗi đau chẳng gì sánh được.
Cuộc sống với Hạnh lúc đó là địa ngục. Mất mát lớn đến mức đôi khi Hạnh nghĩ mình chẳng còn lý do gì để tiếp tục sống trên đời. Biết bao nhiêu đêm Hạnh nằm khóc một mình và chỉ nghĩ đến cái chết.
Hạnh sẽ làm như vậy nếu như không nghe mẹ bảo: “Mẹ sinh ra con khỏe mạnh, đầy đủ chân tay, vì chồng mà con phải chịu cảnh này. Con sống thế nào để đừng phí hoài. Buồn một ngày là mất một ngày”.
Phải sống
Hạnh vùng đứng dậy và bỗng thấy tiếc một năm qua mình đã tự chôn vùi cuộc sống trong bóng tối của nỗi đau. Một năm qua, chỉ nghe tiếng trẻ con khóc Hạnh cũng giật mình…
Chị nghĩ: “Mình chẳng có tội gì cả. Người ta kỳ thị xa lánh mình vì họ chưa hiểu biết về HIV/AIDS. Mà chính bản thân mình cũng tự kỳ thị chính mình… Người có HIV phải làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về bản thân mình”.
Vân Đồn lúc ấy là điểm nóng về HIV/ AIDS với hơn 400 người mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Một con số đáng lo ngại nếu so với tỷ lệ dân số. Nhưng hầu hết người có HIV đều tự giấu mình, chẳng ai dám công khai vì sợ bị xa lánh.
Hạnh là một trong những người đầu tiên dám nói: Tôi có “ết”. Chị có một người bạn gái cùng cảnh với mình. Họ đến với nhau trong những ngày bi đát nhất như một cứu cánh. Sau đó, một số người có HIV khác đã tìm đến với chị, và hình thành một nhóm. Họ tập hợp lại bên nhau, không phải để than khóc cho số phận hẩm hiu của mình mà để cùng nhau chống lại sự kỳ thị. Sự kỳ thị nhiều khi còn gây đau đớn hơn cả bệnh “ết”.
Ban đầu, nhóm của Hạnh đã tuyên truyền cho những người trong gia đình hiểu về HIV/AIDS. Bởi vì ngay cả bố mẹ nhiều khi cũng lo sợ bị lây bệnh chỉ vì ngồi ăn cùng mâm hay chỉ đơn giản là thở chung một bầu không khí với người con bị “ết”... Sau đó, Hạnh và các bạn mới đi tới nhiều điểm “nhạy cảm” như bến xe, bến tàu, nhà nghỉ để nói cho thanh niên nghe về cơ chế lây nhiễm và cách phòng tránh...
Từ 2 người lên 6 người, từ 6 người tăng lên đến 131, những con số ấy đưa đến cho Hạnh niềm tin vào sự “vùng dậy” để sống có ích của những người vốn đã tự giam hãm đời mình trong bóng tối cho đến khi về thế giới bên kia.
Những việc làm của Hạnh đã “hữu xạ tự nhiên hương” và được các tổ chức phòng chống HIV/ AIDS của quốc tế quan tâm. Chị được mời vào làm việc trong dự án Tăng cường sự tham gia của người sống chung với HIV/AIDS (GIPA), một dự án do Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV), UNAIDS phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố trọng điểm của cả nước.
Hạnh trở thành tình nguyện viên của Liên Hợp Quốc, điều mà chị chưa bao giờ dám nghĩ tới kể từ khi biết mình mang căn bệnh thế kỷ. Nhóm của Hạnh hoạt động ngày càng hiệu quả và lấy tên: “Hoa Bất Tử”.
Họ cùng nắm tay nhau: “Dù thế nào chúng ta cũng cùng nhau chống chọi với tất cả”. Hoa Bất Tử là một đại gia đình mà mỗi thành viên trong đó đều coi nhau như anh em ruột thịt.
Một lần Hạnh đang đi trên đường, một cô gái bán hoa quả chạy theo níu áo hỏi: “Chị ơi, chồng chị ngày trước bị ốm có sút cân không?”. Hạnh hỏi chuyện mới biết chồng cô gái đang ở giai đoạn cuối của AIDS. Nhưng kể từ khi biết tin này, nhiều người không mua hoa quả của cô gái.
Không có tiền mua thuốc, đưa chồng đi viện, cô gái này phải trải qua những tháng ngày cùng cực bi đát. Hạnh đã đến động viên, khuyên nhủ. Hạnh cũng chẳng phải nói nhiều bởi vì cuộc đời của chị cũng đủ để cô gái lấy lại niềm tin sống. Hoa Bất Tử tìm cho cô gái một công việc khác để kiếm sống. Và giờ đây cô đã trở thành một trong những thành viên tích cực nhất của nhóm.
Gia đình Hoa Bất Tử thỉnh thoảng lại có một thành viên từ giã cõi đời. Nhưng họ không phải chết trong cô quạnh, đám tang của họ không còn vắng đến rợn người nữa...
(Theo Tiền Phong)