Danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn tính tới ngày 1/7 vừa được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố. Trong đó, Tập đoàn Gelex (GEX) hiện là cổ đông lớn nhất của nhà băng này với sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần (tương đương 4,9% vốn điều lệ ngân hàng). Đứng thứ hai là Công ty chứng khoán VIX với hơn 62 triệu cổ phiếu (3,58%).
Gelex tiền thân là Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện, thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện thuộc Bộ Công Thương. Cuối năm 2015, Bộ này thoái toàn bộ 78,74% vốn của Gelex thông qua giao dịch khớp lệnh trên thị trường chứng khoán, tạo nên phiên giao dịch lịch sử trên UPCoM. Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Gelex, là một trong số những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này sau thương vụ thoái vốn.
Trước thương vụ này, ông Nguyễn Văn Tuấn từng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Chứng khoán VIX, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ IB. Ông Tuấn rời VIX vào năm 2016, giữ vai trò điều hành tại Gelex thời gian sau đó. Sau khi ông Tuấn rời khỏi công ty chứng khoán này, chị gái ông là bà Nguyễn Thị Tuyết giữ vai trò Phó chủ tịch kiêm CEO và được bầu vào làm Chủ tịch HĐQT cuối năm 2022. Tháng 2/2023, bà Tuyết có đơn xin từ nhiệm.
Cổ đông khác sở hữu trên 1% vốn tại Eximbank là Công ty cổ phần Thắng Phương (sở hữu 53,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,07% vốn). Bà Lê Thị Mai Loan và Lương Thị Cẩm Tú sở hữu mỗi người hơn 1% vốn Eximbank.
Công ty Thắng Phương và bà Mai Loan từng chung nhóm cổ đông đề cử Phó chủ tịch Bamboo Capital vào Hội đồng quản trị Eximbank. Nhóm này gồm Công ty Thắng Phương, bà Mai Loan, Công ty Đầu tư và dịch vụ Helios và ông Nguyễn Hồ Nam - cựu Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital.
Cuối tháng 4, sau phiên họp thường niên, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn cựu Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam làm Phó chủ tịch.
Eximbank đã trải qua nhiều năm biến động trong bộ máy lãnh đạo ngân hàng, sau khi các nhóm cổ đông không đi đến thống nhất. Sau nhiều năm lục đục ở dàn nhân sự cấp thượng tầng, 2022 là năm đầu tiên nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thành công và dàn xếp được bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Năm nay, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng lên 223.500 tỷ đồng, huy động vốn thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ. Nhà băng dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,8% - mức ngang 2022.
Lợi nhuận 2023 của ngân hàng là 2.146 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Eximbank còn 1.949 tỷ lợi nhuận để lại lũy kế đến 31/12/2023. Ngân hàng sẽ chia cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10%. Trong đó, chia bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% (1.219 tỷ đồng) và 3% bằng tiền mặt (hơn 522 tỷ đồng).
Minh Sơn