Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7, các ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng.
Theo công bố của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tính đến 19/7, VPBank có 13 cá nhân sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng. Tổng cộng, 13 người này nắm giữ hơn 40,8% vốn VPBank.
Với nhóm tổ chức, Sumitomo Mitsui nắm hơn 15% cổ phần nhà băng. Công ty cổ phần Diera Corp nắm hơn 4,39%, người có liên quan doanh nghiệp này nắm 13,65%. Composite Capital Master nắm 2,73%; Vietnam Enterprise nắm 1,28% và người có liên quan nắm 2,19%.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, tính đến 19/7, nắm hơn 328,5 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 4,14%. Người có liên quan tới ông Dũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu, tương đương sở hữu 29,5% vốn điều lệ.
Như vậy, ông Dũng và người có liên quan nắm giữ hơn 33,6% vốn điều lệ VPBank trong khi tỷ lệ sở hữu công bố cuối năm 2023 tại báo cáo quản trị theo Luật Chứng khoán là 13%,. Sự khác biệt này là do kể từ 1/7, theo Luật Các tổ chức tín dụng mới, cổ đông và người có liên quan được phép nắm giữ 15% thay vì 20% như trước. Trường hợp nhóm này sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới (tức tỷ lệ sở hữu trước 1/7) vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông có liên quan đến ông Dũng thay đổi lớn một phần do quy định mới mở rộng hơn về "những người có liên quan". Theo đó, danh sách những người có liên quan được mở rộng so với trước, gồm cả cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, anh em rể, chị em dâu, ông bà nội ngoại...
Bên cạnh đó, pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước qua thanh tra, giám sát, cũng được xem là "người có liên quan".
Quỳnh Trang