-
18h35
Tăng thuế môi trường với xăng thêm 1.000 đồng mỗi lít
Tại họp báo, trả lời câu hỏi liên quan tới đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng sẽ tăng từ 3.000 lên 4.000 đồng một lít. "Đây là mức nằm trong khung cho phép của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", Thứ trưởng Mai nói.
"Với phương án tăng như dự thảo và có hiệu lực từ 1/7 thì sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018 là 0,27 - 0,29% và CPI năm 2018 là 0,11 - 0,15%", lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ.
Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, ngoài tăng thuế môi trường với xăng, mặt hàng dầu diesel tăng thêm 500 đồng; dầu madút, dầu nhờn và mỡ nhờn được đề nghị tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay.
-
18h34
Điều tra người tung tin hai mẹ con chết vì "sinh con thuận tự nhiên"
Trả lời câu hỏi về kết quả việc xác minh thông tin hai mẹ con chết vì sinh con thuận tự nhiên, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế đã điều tra và hoàn toàn không có vụ việc này. Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an đề nghị tìm người tung tin để xử lý theo luật.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, "nếu cứ sinh con theo kiểu tự nhiên thì nguy cơ tử vong rất cao. Phụ nữ nên sinh theo hướng tự nhiên, tức là sinh thường có sự giúp đỡ của bác sĩ, trường hợp không sinh được tự nhiên mới mổ, nhưng dân ta đang có tình trạng không có chỉ định mổ cũng đòi mổ, hoặc lẽ ra phải mổ thì lại xin sinh tự nhiên".
Trước đó chiều 14/3, một tài khoản Facebook ở TP HCM chia sẻ câu chuyện về người bạn của mình đã tử vong cả mẹ lẫn con vì sinh con tại nhà theo trào lưu “thuận tự nhiên”. Theo đó sản phụ tự sinh tại nhà, không có người trợ giúp dẫn tới mẹ bị kiệt sức còn con bị ngạt. Cả hai mẹ con không được cấp cứu kịp thời. Khi chồng sản phụ đi làm về nhà phát hiện sự việc thì đã quá muộn. Trước đó sản phụ đã chi 15 triệu đồng để học khóa thai sản "thuận theo tự nhiên" của một người tự xưng là thạc sĩ về sữa mẹ.
-
18h25
Thanh tra việc MobiFone mua AVG bị kéo dài do nhiều nguyên nhân
Trả lời câu hỏi về thời hạn thanh tra vụ MobiFone mua AVG, ông Bùi Ngọc Lam - Phó tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận, "quá trình thanh tra bị kéo dài do những nguyên nhân khách quan và chủ quan".
Theo ông, sau mỗi cuộc thanh tra, trong đó có thanh tra dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, Thanh tra Chính phủ đều tổ chức họp tổng kết, đánh giá hoạt động để rút ra bài học kinh nghiệm. "Những gì thuộc về trách nhiệm chủ quan chúng tôi đã chỉ đạo xử lý nghiêm theo pháp luật", ông Lam nhấn mạnh.
Tháng 1/2016, thông cáo về việc mua cổ phần tại Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được Tổng công ty Viễn thông MobiFone phát ra. Không đề cập đến giá trị thương vụ, MobiFone cho biết đơn vị này đặt mục tiêu phát triển một triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016.
Đến tháng 9/2016, cơ quan thanh tra bắt đầu thanh tra toàn diện dự án này, thời hạn dự kiến trong 50 ngày, tuy nhiên đến chiều 14/3 vừa qua, kết luận thanh tra mới được công bố.
AVG là thương hiệu truyền hình tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền cuối năm 2011. Tổng thuê bao đến cuối 2014 của AVG vào khoảng 450.000 khách.
-
18h14
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 3 tháng qua, trên toàn quốc đã xảy ra 1.000 vụ cháy nổ làm 33 người chết, 66 người bị thương; gây thiệt hại lớn về tài sản.
"Đây là vấn đề bức xúc rất được Thủ tướng quan tâm. Chính phủ đã giao lãnh đạo các bộ ngành, địa phương báo cáo rõ vấn đề này. Hiện có thực trạng là tỷ lệ chung cư đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy rất thấp", ông Dũng nói.
Trước đề xuất Tổ công tác của Thủ tướng nên kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ ở khu chung cư, ông Dũng nói: "Đây là đề nghị rất tốt, nhưng hiện Tổ phải tập trung kiểm tra nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ ngành; kiểm tra việc xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hơn nữa, Thủ tướng cũng đã giao người đứng đầu các Bộ, Chủ tịch các tỉnh chỉ đạo trực tiếp nội dung phòng chống cháy nổ".
Rạng sáng 23/3, vụ cháy ở chung cư Carina Plaza (quận 8, TP HCM) đã làm 13 người tử vong, hơn 90 người bị thương, 17 ôtô và hơn 340 xe máy bị thiêu rụi, hư hỏng. Đây được cho là vụ cháy để lại hậu quả nặng nề nhất trong 16 năm qua tại TP HCM, chỉ sau thảm họa ITC làm 60 người chết.
-
18h10
Giảm số lượng tổng cục trong Bộ Công an
Thông tin về phương án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong kỳ họp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo quy định, trong luật không đề cập đến tổ chức bộ máy, vì vậy, khi xây dựng nghị định liên quan đến đạo luật này thì Chính phủ sẽ đưa vào các nội dung liên quan.
"Vừa qua Đảng uỷ Công an Trung ương đã rất trách nhiệm, đưa ra hướng đổi mới có đề cập đến việc cải cách tổ chức bộ máy, xem xét giảm tổng cục, chuyển Sở phòng cháy chữa cháy về trực thuộc Công an tỉnh, thành", ông Dũng nói.
-
18h05
Nhóm cổ đông AVG đã trả MobiFone 2.500 tỷ đồng
Tại cuộc họp báo, phóng viên nêu câu hỏi về việc thanh toán huỷ hợp đồng mua cổ phần giữa MobiFone và AVG. Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, hiện nhóm cổ đông AVG đã trả 2.500 tỷ đồng cho MobiFone. Theo cam kết của AVG, chậm nhất trong 90 ngày sau khi 2 bên ký thoả thuận huỷ hợp đồng thì sẽ thanh toán hết.
"Điều này có nghĩa việc thanh toán chậm nhất là 90 ngày, hoặc có thể sớm hơn. Bộ đã có chỉ đạo MobiFone xử lý tích cực", ông Bảo nói.
Trả lời câu hỏi về tính pháp lý của việc Bộ Thông tin & Truyền thông có công văn đốc thúc MobiFone sớm chấm dứt hợp đồng mua AVG, ông Bảo cho rằng, vụ việc này có vốn Nhà nước nên khi "huỷ hợp đồng phải trả lại tiền thì đương nhiên Bộ chủ quản có văn bản chỉ đạo là hợp lý".
Cũng theo lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, hiện toàn văn kết luận thanh tra đã được ban hành, Thủ tướng đồng ý với kết luận thanh tra này, "Bộ Thông tin & Truyền thông đã có cuộc họp mở rộng nghiêm túc với các tập thể, cá nhân liên quan để triển khai thông báo kết luận thanh tra trên cơ sở tuân thủ, thượng tôn pháp luật".
Trước đó ngày 12/3 sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ, MobiFone và AVG đã thống nhất huỷ việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thoả thuận. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này là 8.889,8 tỷ đồng.
Các cổ đông đã chuyển nhượng (phía AVG) sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền MobiFone đã thanh toán. Còn MobiFone cũng trả lại AVG số cổ phần và các tài sản đã nhận chuyển nhượng. Đồng thời, hai bên "sẽ cố gắng để cả hai không chịu thiệt hại từ việc này".
-
18h00
Lấy lại sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nếu cần thiết
Trả lời câu hỏi về phương án quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng đã quyết định việc này trên cơ sở tôn trọng ý kiến của tư vấn độc lập, của Bộ Giao thông vận tải và TP HCM. "Mở rộng cả phía Nam và Bắc, cần diện tích đất chỗ nào thì mở rộng khu vực đó, ngay cả việc cần lấy lại sân golf để mở rộng sân bay thì cũng sẽ thực hiện", ông Dũng nói.
Trước đó, tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 28/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chủ trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của Công ty Tư vấn ADP-I (Pháp).
Theo phương án này, một nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía nam (tức phía nhà ga hiện hữu) với diện tích sàn 200.000 m2. Nhà ga có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm, tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng.
Diện tích đất phía bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.
Chính phủ giao Bộ Giao thông phối hợp với Công ty Tư vấn Pháp rà soát để chỉnh sửa quy hoạch hiện hữu, hoàn thiện phương án của đơn vị tư vấn. Bộ có trách nhiệm tìm nguồn vốn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nhanh chóng khởi công xây dựng nhà ga mới sớm nhất, nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020.
-
17h55
Hai kịch bản tăng trưởng GDP 2018
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã báo cáo 2 kịch bản tăng trưởng năm nay, gồm các mức 6,7% và 6,8%. Về cơ bản, hai kịch bản được xây dựng bám sát nhau, chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khá tốt.
Truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, ông Mai Tiến Dũng nói dù quý I đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7,38% nhưng "không chủ quan và thoả mãn những gì đã đạt được"; tinh thần là quyết đạt GDP cả năm tối thiểu 6,7% và phấn đấu tăng trưởng cao hơn để tạo đà cho 2019 và các năm tiếp theo.
-
17h40
Thủ tướng hoan nghênh một số ứng viên tự xin rút hồ sơ xét GS, PGS
Trong phiên họp, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, đã báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát 94 hồ sơ của các ứng viên giáo sư và phó giáo đề nghị công nhận năm 2017, đây là các hồ sơ bị để lại do có dấu hiệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc có khiếu kiện.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, kiểm tra từng trường hợp. Qua đó có 53 ứng viên đủ điều kiện, 41 ứng viên không đủ điều kiện, một số ứng viên tự xin rút hồ sơ. Từ kết quả này, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước sẽ thực hiện theo đúng quy định, chỉ công nhận những ứng viên đủ tiêu chuẩn.
Bộ Giáo dục tiếp tục xử lý cơ sở giáo dục công nhận số giờ giảng cho các ứng viên không chính xác và sẽ công khai. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chỉ công nhận các ứng viên đủ điều kiện, còn việc bổ nhiệm giáo sư hay phó giáo sư là do các cơ sở giáo dục tự quyết định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã nghiêm túc rà soát 94 hồ sơ nêu trên. "Đây là tinh thần làm việc đúng nguyên tắc, minh bạch. Lãnh đạo Chính phủ không quyết định ai đủ điều kiện mà đây là việc của hội Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và Hội đồng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và chia sẻ việc đánh giá cao một số ứng viên đã tự xin rút hồ sơ đề nghị để tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước.
-
17h35
Sáng 2/4, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phấn đấu đạt tăng trưởng ít nhất 6,7% trong năm 2018.
Ông nhìn nhận, sau 1/4 chặng đường của năm, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển thuận lợi, các lĩnh vực đều có tăng trưởng tích cực. GDP quý I đạt mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua (7,38%). Lạm phát được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước. CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ là 6,4%).
Chỉ số VNIndex đã vượt đỉnh 10 năm qua (1.170 điểm), thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều mặt tồn tại, yếu kém để thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực mình quản lý, như: thành lập mới doanh nghiệp tăng chậm lại; số lượng doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn còn cao.
“Cần làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó xem cần cải cách gì về cơ chế chính sách như thuế, phí, tín dụng, đất đai, môi trường kinh doanh để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp…”, Thủ tướng nói.