Khoảng 21h ngày 4/2/1974, sau tiếng gõ cửa, một nhóm người rút súng ập vào nhà riêng của Patricia Hearst và bạn trai, ném cô vào thùng xe.
Cảnh sát xác định Patricia bị bắt cóc bởi một nhóm vũ trang cực đoan tự xưng là Quân đội Giải phóng Symbionese, hay SLA. SLA muốn kích động một cuộc chiến tranh du kích nhằm đóng cửa các nhà tù, chấm dứt chế độ một vợ một chồng và xóa bỏ "chế độ tư bản".
Hàng ngũ của họ bao gồm những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và cực đoan thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Họ bị liệt vào danh sách nhóm khủng bố nội địa manh động, nổi tiếng với thủ đoạn bắn chết các quan chức địa phương bằng đạn tẩm xyanua.
Gia thế của nữ sinh 19 tuổi này chính là mục tiêu hoàn hảo cho SLA nhắm vào. Thời kỳ đó, không một ông chủ báo nào quyền lực, quyến rũ hoặc quan trọng hơn William Randolph Hearst, ông nội của, Patricia. Ông không chỉ là một trùm truyền thông quyền lực mà còn là nhân vật vĩ đại trong lịch sử Mỹ, là nguyên mẫu ngoài đời thực cho bộ phim kinh điển Citizen Kane.
Ông đã xây dựng dinh thự lớn nhất nước Mỹ ở San Simeon, và cái tên "gia tộc Hearst" vào năm 1974 là biểu tượng của quyền lực và sự giàu có, giống như Bill Gates và Jeff Bezos ngày nay. Việc một tiểu thư nhà Hearst bị bắt cóc không phải ngẫu nhiên, mà bởi đó là một cái tên Mỹ có tiếng vang.
Vụ bắt cóc khiến cả nước sửng sốt và được các kênh tin tức quốc gia đưa lên trang nhất. SLA muốn sự việc đình đám hơn thế.
SLA ngay sau đó đã gửi cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào để giải cứu con tin đều có thể dẫn đến việc cô gái bị "xử tử ngay lập tức". Họ muốn dựa vào quyền lực nhà Hearst để đòi phóng thích những đồng đội đang bị giam giữ nhưng bị chính phủ từ chối.
Tám ngày sau, SLA lại gửi một đoạn băng ghi âm đến đài phát thanh địa phương, yêu cầu bố cô gái thực hiện một chương trình từ thiện trị giá 2 triệu USD, gồm trao tặng quần áo, thực phẩm và 70 USD tiền mặt cho mỗi hộ nghèo ở California, "như một cử chỉ thiện chí."
Cuốn băng có kèm giọng nói run rẩy của Patrica Hearst. "Mẹ, bố, con không sao. Con đang ở trong một đơn vị chiến đấu với vũ khí tự động. Họ không chỉ là một đám người nổi loạn. Con chỉ mong rằng bố sẽ làm theo những gì họ nói, và hãy làm nhanh lên".
Randolph Hearst, bố cô, đã thực hiện y lời. Nhưng chương trình tặng thực phẩm đầy rẫy những vấn đề. Tại một số địa điểm phân phối, bạo loạn và gian lận đã nổ ra, dẫn đến hàng chục người bị thương và bị bắt. Vài ngày sau, SLA gửi đến đoạn ghi âm thứ hai, lần này chỉ có giọng Patricia, chỉ trích cha mẹ. "Bố mẹ và các cố vấn của mình đang biến chương trình từ thiện này thành một thảm họa thực sự."
Người thân và cảnh sát không hiểu chuyện gì đã xảy ra với cô gái. Họ đã không phải đợi lâu để biết sự thật. Đoạn ghi âm gây sốc nhất được công chiếu toàn quốc trên chương trình truyền thanh đến vào một sáng tháng 4/1974, 59 ngày sau vụ bắt cóc.
"Tôi đã được SLA đưa cho hai lựa chọn, được thả hoặc gia nhập lực lượng của họ và chiến đấu cho tự do. Tôi đã chọn ở lại và chiến đấu". Cô cũng thông báo thêm rằng cô đã lấy tên mới, Tania, theo tên một nữ đồng đội của anh hùng Che Guevara. Một bức ảnh cũng được gửi cùng đoạn băng, trong đó, Patricia cầm súng, đội mũ du kích và tạo dáng bên lá cờ với biểu tượng của SLA, con rắn 7 đầu.
Theo lời khai sau này của Patricia, khi mới bị bắt cóc cô bị giam 7 ngày trong tủ quần áo, bị bịt mắt và trói tay thậm chí cả khi ăn, liên tục bị dọa giết. Sau đó cô bắt đầu được tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị.
Cả nhóm bắt đầu chiến dịch tẩy não nhằm biến tiểu thư danh giá này từ tầng lớp cao nhất của xã hội thành một kẻ phiến loạn. Và có vẻ họ đã thành công. Patricia mang sẵn trong đầu mối bất hoà với bố mẹ, từ bé không được nghĩ và làm điều mình muốn.
Giống như rất nhiều thanh niên Mỹ những năm 1970, cô cũng sống trong một thời kỳ "chông chênh" của đất nước, khi chiến tranh Việt Nam nổ ra, bê bối Watergate, bạo loạn và bất ổn khắp nơi. SLA đã đụng trúng "điểm yếu" những thanh niên như cô, đấu tranh để giải thoát bản thân khỏi những bất an mơ hồ.
Khi chấp thuận trở thành "đồng đội" của họ, chiếc khăn bịt mắt được gỡ bỏ, Patricia lần đầu nhìn thấy những kẻ bắt giữ mình. Sau đó, cô đã được học đào tạo bắn súng, ném lựu đạn, sẵn sàng "chiến đấu".
Nhiệm vụ đầu tiên cô được tham gia cùng SLA là vụ cướp Ngân hàng Hibernia, New Orleans, ngày 15/4/1974. Vụ cướp thu về 10.692 USD, hai nhân chứng bị bắn, một người tử vong. Đoạn băng camera an ninh về vụ cướp được phát trên truyền hình và được cơ quan chức năng phân tích chặt chẽ.
Patrica có vẻ hoàn toàn tự nguyện và hăng hái tham gia vụ việc. "Tôi là Tania. Tất cả nằm xuống", giọng cô gái dõng dạc. Sau vụ cướp, SLA gửi một đoạn băng ghi âm đến truyền thông địa phương. "Xin chào mọi người, đây là Tania. Hành động của chúng tôi vào ngày 15/4 nhằm buộc Nhà nước phải hỗ trợ tài chính cho cuộc cách mạng. Về việc tôi bị tẩy não, thật nực cười. Tôi là quân nhân đầy tin tưởng vào SLA", Patrica tuyên bố.
Một tháng sau, Patricia có mặt tại hiện trường vụ án khác, đứng ngoài và xả súng liên tiếp vào Cửa hàng đồ thể thao Mel ở Englewood, bang California.
Trong khi đó, FBI mở một trong những cuộc tìm kiếm lớn nhất lịch sử để tìm cô và ngăn chặn SLA. FBI cuối cùng cũng bắt được họ vào ngày 18/9/1975, khi 100 cảnh sát Los Angeles tấn công vào ngôi nhà được xác định là nơi ẩn náu của SLA.
Sự kiện được truyền hình trực tiếp. Cảnh sát ra lệnh cho những người cư ngụ trong nhà "Ra ngoài. Giơ tay lên." Không ai trả lời cuộc gọi, ngoại trừ những viên đạn liên tục bắn từ nhà ra ngoài, hạ gục nhiều cảnh sát.
Song cuối cùng, lựu đạn hơi cay đã đốt cháy ngôi nhà. Sáu thành viên SLA đã chết trong vụ tấn công. Patricia may mắn sống sót. Mẹ của cô tin tưởng rằng con gái mình sẽ không phải đối mặt với án tù. "Xét cho cùng, con bé là nạn nhân của một vụ bắt cóc. Có lẽ nó phải tuân theo những gì SLA ra lệnh". Nhưng bà đã lầm.
Ngày 4/2/1976, Patricia hầu toà với cáo buộc Cướp có vũ trang. Suốt 3 tháng sau khi bị bắt, cô gái đã duy trì sự trung thành của mình với "tổ chức" và tiếp tục chỉ trích chính quyền. Nhưng vài tháng trước phiên toà, cô bất ngờ thay đổi lời khai, nói rằng mình bị làm dụng tình dục, bị ép buộc và "tẩy não".
"Tôi yêu gia đình mình rất nhiều. Tôi buộc phải làm theo lệnh SLA vì tôi sợ rằng nếu cố gắng trở về với cha mẹ, tôi sẽ bị giết", Patricia nói trong phiên xét xử.
Dàn luật sư hùng hậu được bố mẹ cô thuê ra sức bảo vệ lời khai của thân chủ, viện dẫn về "Hội chứng Stockholm". Nó được giải thích là việc các nạn nhân bắt cóc, sau một thời gian dài bị hành hạ, mất bản năng phản kháng và cảm mến sự chăm sóc của thủ phạm.
Nhưng trớ thêu thay, một doạn băng ghi âm của Patricia thời kỳ trong SLA được cơ quan công tố phát lại trước toà, trong đó có đoạn "Về việc tôi bị tẩy não, thật nực cười. Tôi là quân nhân đầy tin tưởng vào SLA".
Bản án được đưa ra sau 12 giờ nghị án. Ngày 20/3/1976, Patricia bị tuyên phạm tội Cướp có vũ trang và Sử dụng súng để phạm trọng tội, án phạt 7 năm tù. "Những thanh niên nổi loạn, vì bất cứ lý do gì mà thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị trừng phạt", bản án nêu.
Năm 1979, cô được Tổng thống Jimmy Carter giảm án và trả tự do ngày 1/2 cùng năm, song vẫn chịu quản chế nghiêm ngặt của đội vệ sĩ gia đình. Đó hoá ra lại là một điều tốt lành xảy ra trong đời cô.
Hai tháng sau khi ra tù, cô kết hôn với chính đội trưởng đội vệ sĩ. Cuộc hôn nhân được báo chí ca ngợi "chuyện cổ tích tình yêu" giữa tầng lớp thượng lưu và dân lao động. Họ có 2 con, trong đó một con gái chính là người mẫu, diễn viên đình đám, Lydia Marie Hearst-Shaw.
Patrica sau này nổi tiếng với việc tích cực tham gia hoạt động từ thiện toàn thế giới. Cô cũng xuất bản một cuốn hồi ký, đóng nhiều phim, trong đó nhiều bộ phim kể về chính cuộc bắt cóc kỳ lạ của cô.
Hải Thư (Theo History, NY daily News, FBI, Famous Trials)