Những kẻ giết người đã đến tư gia của Tổng thống Jovenel Moise với tư cách đặc vụ Cơ quan Chống Ma túy Mỹ nhưng hành vi của họ không phù hợp với lực lượng từ cơ quan Mỹ, Đại sứ Haiti tại Mỹ Bocchit Edmond ngày 7/7 nói với các phóng viên tại Washington.
"Đó là cuộc tấn công được dàn dựng tinh vi và đó là những kẻ chuyên nghiệp", Edmond nói thêm. "Chúng tôi có video và chúng tôi tin rằng đó là lính đánh thuê".
Đại sứ cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành về nơi ở, động cơ và nguồn gốc của những kẻ ám sát. Ông cho biết họ nói tiếng Tây Ban Nha với nhau và có thể đã rời khỏi Haiti, có khả năng đến Cộng hòa Dominica láng giềng, quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.
"Chúng tôi không biết liệu họ đã rời đi hay chưa", ông nói. "Nếu họ hiện không ở Haiti, chỉ có một cách để họ rời đi là qua biên giới đường bộ vì không có máy bay".
Edmond nói thêm rằng máy bay riêng có thể bị giới chức hàng không dân dụng phát hiện nhưng việc di chuyển qua biên giới đường bộ có thể không bị phát hiện.
Cộng hòa Dominica, quốc gia chung đường biên giới dài 380 km với Haiti, đã lập tức thông báo đóng biên sau vụ ám sát. Tổng thống Dominica Luis Abinader lên án tội ác này "phá hoại trật tự dân chủ ở Haiti và khu vực".
Tổng thống Haiti Jovenel Moise, 53 tuổi, bị một nhóm người bắn chết tại tư gia ở Port-au-Prince vào rạng sáng 7/7. Thủ tướng lâm thời Claude Joseph mô tả thủ phạm là "nhóm người nước ngoài nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha". Đệ nhất phu nhân Martine Moise đang trong tình trạng nguy kịch và được đưa sang Mỹ điều trị.
Haiti lâm vào khủng hoảng chính trị vì quốc hội nước này đã giải tán và Tổng thống Moise đã điều hành đất nước bằng sắc lệnh trong hơn một năm. Các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc gia tăng trong những tháng gần đây ở Haiti, phản ánh sự lộng hành ngày càng tăng của các băng nhóm có vũ trang tại quốc gia 11 triệu dân. Haiti cũng phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và thiên tai triền miên. Lạm phát tăng cao, thực phẩm và nhiên liệu trở nên khan hiếm khi 60% dân số kiếm được ít hơn hai USD một ngày.
Phương Vũ (Theo AFP)