Ngày 21/8, đại diện Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cho biết bệnh nhân tiền sử bị mỡ máu cao, không hút thuốc lá, thi thoảng tập thể thao.
Các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Hình ảnh chụp cho thấy mạch vành tổn thương nặng, một nhánh mạch bị tắc hoàn toàn, hai động mạch khác hẹp nặng 80-90%. Ê kíp tái thông mạch vành, cứu sống bệnh nhân khỏi cơn nguy kịch.
Đây là trường hợp trẻ tuổi nhất bị nhồi máu cơ tim được bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu thành công từ trước đến nay. Nhồi máu cơ tim là một cấp cứu khẩn trong y khoa, chỉ tình trạng tắc nghẽn đột ngột động mạch nuôi tim, còn gọi là động mạch vành, gây thiếu máu nuôi tim, tổn thương tế bào, dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, đột tử. Đây là bệnh lý rất nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong cao.
Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và chiếm 25%, cứ 4 người lại có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Các chuyên gia đánh giá bệnh lý tim mạch đang trẻ hóa. Biểu hiện nhồi máu cơ tim ở người trẻ và người lớn tuổi tương đối giống nhau nhưng khác nhau ở nguyên nhân gây bệnh. Ở người trẻ, xơ vữa động mạch gây nhồi máu cơ tim đa phần do chế độ sinh hoạt không lành mạnh, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm.
Triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim là đau nặng ngực, đau giữa ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái, cảm giác nặng, bóp nghẹt, siết chặt, đè, có khi lan ra tay trái, lên cằm xuống bụng vùng trên rốn. Thời gian đau ngực thường trong khoảng 20-30 phút hoặc dài hơn. Người bệnh có thể kèm vã mồ hôi, khó thở và bất tỉnh. Cũng có người không đau ngực mà đau bụng vùng trên rốn, đau sau lưng. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, vùng mạch máu bị tổn thương và những bệnh lý khác đi kèm.
Bác sĩ khuyến cáo người có tiền sử mỡ máu cao hoặc có người nhà bị mỡ máu cao (yếu tố nguy cơ mang tính chất gia đình, do ăn cùng chế độ ăn uống và sinh hoạt) nên theo dõi sức khỏe sát sao, cần uống thuốc theo đơn, ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn thịt đỏ và nội tạng động vật, tập thể dục thường xuyên và lưu ý khám sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng/lần.
Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đặc biệt là đột nhiên xuất hiện các cơn đau tức ngực, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, cần đến các cơ sở y tế sớm.
Thúy Quỳnh