Tôi mong muốn được chia sẻ cùng các bạn điều đó như một thông điệp về những sứ giả “trồng người” mà tôi đã may mắn được gặp trong đời.
![]() |
Thầy giáo làm diễn viên. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Có lẽ số lượng các thầy cô người Pháp trong đời tôi cũng ngang với số thầy cô người Việt. Chỉ có điều, khi học các thầy cô người Pháp, tôi đã là một người Việt trưởng thành, cả về thể chất lẫn vốn kiến thức cơ sở.
Dường như nghề nghiệp đã khiến thầy cô giáo, dù là người nước nào đi nữa, cũng luôn có một vài điểm chung như sự tận tụy, sự khoan dung đối với lỗi lầm của trò thì phải. Có thể họ thể hiện dưới hình thức này, hay hình thức khác; bằng sự thẳng thắn hay thô bạo; bằng sự nhiệt tình hay lãnh đạm.
Với học trò, thầy cô nào cũng là “bề trên”, bất kể tuổi tác, tính cách, hay thái độ. Ít ra, với vốn văn hóa của mình, tôi thường chọn một cách ứng xử với họ dựa trên đạo lý đầy chất nho giáo.
Cũng từ góc nhìn đó, tôi hay có ấn tượng tốt về các thầy cô giáo người Pháp của mình. Có điều, khách quan mà nói, tôi thích sự ứng xử của các thầy cô. Giữa thầy và trò, đa phần họ giữ những khoảng cách nhất định. Họ luôn công bằng, trung thực và đúng mực trong việc nhận xét và đánh giá trò, kể cả với sinh viên người nước ngoài. Đặc biệt họ luôn giữ chữ “tín” trong công việc.
Cô hướng dẫn tôi viết rapport de stage (khóa luận). Tôi nhớ, cô thường hẹn tôi ở cafétéria (căng-tin) của trường. Lần nào cô cũng đến đúng giờ và thường bắt đầu ngay công việc từ những phút đầu tiên. Khi thảo luận, cô rất thẳng thắn, chân tình nhưng cũng hết sức nghiêm khắc và không “phạm luật” bao giờ.
Cô chia sẻ với tôi tài liệu, kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như trong các mối quan hệ với người học trên lớp. Tuy nhiên, cô luôn có những nguyên tắc riêng, rất sư phạm với những người học mà phần lớn đều là đồng nghiệp của cô ở các quốc gia khác nhau. Có hôm cô hẹn tôi ở nhà riêng.
Qua câu chuyện với cô, tôi hình dung ra phần nào cuộc sống của hai vợ chồng cô, một giáo sư và một cán bộ giảng dạy đại học như thế nào. Cô kể rằng phu quân của cô nấu ăn rất giỏi, làm được nhiều món hơn cả vợ. Ông thường đi đón vợ ở trường mỗi khi cô về muộn. Tôi sẽ còn nhớ mãi khuôn mặt phúc hậu, ngập tràn hạnh phúc khi cô say sưa kể về gia đình, về các con mình.
Nhiều giáo sư người Pháp mà tôi được học, hoặc có dịp tiếp xúc khiến tôi có những ấn tượng khó quên. Ngoài sự thông minh, uyên bác, họ còn là những người có tài năng bẩm sinh hay một tư chất nghệ sỹ đến kinh ngạc.
Tôi từng nghiên cứu Rude Bénédict, một nhà khoa học nữ của trường phái culturalisme ở Mỹ những năm 1930-1950 và được biết bà từng là một diễn viên ba-lê. Với tác phẩm Hoa cúc và cát, bà là một trong những tác giả tiêu biểu lừng danh thời đó. Cuốn sách bà viết về con người Nhật Bản, khi đó là kẻ thù của Mỹ trong chiến tranh đã khiến những người Nhật sửng sốt bởi sự thấu đáo và chính xác kỳ lạ. Vậy mà, bà chưa một lần đặt chân tới Nhật. Bà chỉ biết con người Nhật bản và văn hóa của họ qua tài liệu, sách báo.
Đó là câu chuyện về một tác giả. Nhưng, những thầy cô mà tôi từng gặp, và được học mới thực sự là những nhân chứng sống.
Tôi được biết gia đình thầy phải trải qua một thời kỳ khó khăn vì nguồn gốc Do Thái. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, gia đình thầy phải chuyển nhà nhiều lần để trốn chạy sự khủng bố, tàn sát của quân Đức. Tôi còn biết trong cuộc sống riêng, thầy cũng gặp nhiều trắc trở, đổ vỡ.
Hàng ngày phải vượt tới 300 cây số để đến trường dạy học, làm việc, rồi đảm đương những chức vụ quan trọng. Ngoài ra thầy còn là một tác giả viết hài kịch, một diễn viên hài xuất sắc.Tôi tự hỏi động lực nào có thể cho thày bằng ấy sức khỏe, nghị lực, khả năng để giảng dạy, để nói, để viết, để làm bằng ấy việc trong 24 giờ đồng hồ một ngày? Thầy hay góp ý mỗi khi tôi có những phản ứng bột phát. Tôi luôn nhớ câu thầy nhắc nhở: “Văn hóa cần được cảm nhận, không chỉ bằng lời nói hay câu chữ”.
Thầy chỉ hơn tôi vài tuổi. Thầy đọc nhiều và có vốn kiến thức thật rộng lớn và vững chắc. Đặc biệt là văn hóa Trung Quốc. Động đến tác giả nào, đến vấn đề gì, thầy cũng có thể gợi ý hoặc mở ra một hướng nghiên cứu được. Thầy có cuộc sống riêng thật éo le và buồn bã. Đến hơn 50 tuổi thầy vẫn sống độc thân và làm bạn với bầy chó. Thầy yêu chó lắm, và thầy thường treo ảnh chúng trên tường.
Đi ngoài phố đôi khi tôi thấy thầy dừng lại âu yếm vuốt ve một chú chó đang được chủ dắt đi. Cũng như tôi, thầy từng sống ở nước ngoài, rồi vừa viết luận án, vừa đi dạy thêm. Vì thế thầy hiểu được khó khăn của những nghiên cứu sinh nước ngoài. Mỗi khi tôi tới phòng thầy, thầy hay pha trà Trung quốc mời tôi và bảo chỉ với sinh viên châu Á thầy mới làm như vậy. Thầy hay động viên tôi mỗi khi tôi thẫn thờ nhớ con hay khi tôi uể oải vì mất ngủ.
Thầy chia sẻ với tôi tâm trạng lo âu, căng thẳng khi viết sang trang thứ 201 của luận án, cái mốc mà theo thầy nếu ai vượt qua nó mới có thể tiên đoán sẽ tới đích được hay không. Thầy vừa là thầy, vừa là đồng nghiệp, vừa là người bạn đồng hành. Tôi học được ở thầy sự thẳng thắn, trung thực trong khoa học và sự khiêm nhường, cẩn trọng trên diễn đàn và trong các mối quan hệ.
Kết thúc quãng đường học hành trong các trường đại học của Pháp, nhưng ký ức về những thầy cô người Pháp có lẽ vẫn song hành cùng tôi. Những gì tôi có hôm nay đều thấp thoáng bóng dáng và công lao của họ. Tôi mong muốn được chia sẻ cùng các bạn điều đó như một thông điệp về những sứ giả “trồng người” mà tôi đã may mắn được gặp trong đời.
Nguyễn Minh Nguyệt