Độc giả Vũ Mạnh Tuấn gửi bài viết chia sẻ quan điểm về lệnh cấm dạy thêm ở TP HCM, dưới góc nhìn của một người có mẹ là giáo viên.
Tôi sinh ra trong gia đình làm nghề giáo. Gần đây tôi thường tự hỏi, nếu mẹ tôi không đi dạy thêm thì cuộc sống của tôi sẽ ra sao. Ngày xưa mẹ tôi thường kể, tháng vừa rồi đi dạy lớp phụ đạo do nhà trường tổ chức được mấy nghìn trên một học sinh (không phải mấy chục nghìn), một buổi chiều dạy được bao nhiêu, và tháng thu nhập thêm được bao nhiêu. So với mức lương giáo viên thì đó là một nguồn thu nhập đáng kể. Tôi hiểu một điều, nếu mẹ không dạy thêm ở trường thì có lẽ tôi cũng không có tiền mà đi học thêm, và kết quả thi đại học của tôi chắc đã khác đi nhiều.
Thời gian qua có nhiều tranh luận về việc cấm dạy thêm, đa phần phụ huynh đều lo con em mình sẽ chịu sự bất công khi không học thêm nhà thầy cô. Nhưng hình như chưa có mấy ai để ý đến con cái của hơn một triệu giáo viên. Gia đình thầy cô giáo cũng cần một nguồn thu nhập đủ và ổn định để đầu tư cho tương lai của con em họ như bao gia đình khác. Với đặc thù của nghề giáo, thì dạy thêm là con đường duy nhất để họ kiếm thêm thu nhập dựa trên công việc mà họ đã lựa chọn.
Tiêu cực trong việc dạy thêm là có, bản thân tôi từng gặp. Nhưng thói quen không quản được thì cấm sẽ gây ra tổn hại cho nhiều bên trong câu chuyện này. Cho dù cấm dạy thêm, học sinh vẫn có nhu cầu học, người thầy vẫn có nhu cầu truyền đạt kiến thức và nâng cao thu nhập, cơ quan chức năng vẫn cần quản lý và cải thiện chất lượng ngành giáo dục. Vậy tại sao không thể dung hòa quyền lợi của các bên?
Tôi xin đề xuất, thay vì cấm hẳn, hãy cấm giáo viên dạy chính học sinh mà mình đang dạy trên lớp, hoặc học sinh cùng trường. Có nghĩa là vẫn có thể dạy học sinh lớp khác hoặc trường khác. Như vậy sẽ loại bỏ được tình trạng cắt xén bài giảng trên lớp để dạy tủ cho học sinh, và cũng không còn lo ngại bị trù dập vì không đi học thêm nhà cô. Đi kèm với đó là cho phép giáo viên đăng ký mở lớp với phòng giáo dục của khu vực, công khai chất lượng và đánh giá trên mạng để phụ huynh có quyền lựa chọn. Và nếu áp dụng thành công hình thức này, trong tương lai, một lớp dạy thêm của giáo viên sẽ không chỉ là học sinh trong trường mà còn là học sinh ở nhiều nơi trên khu vực họ sinh sống.
Khi lớp học thêm có nhiều thành phần như vậy, chúng ta có thể dỡ bỏ lệnh cấm dạy thêm, vì khi đó, người giáo viên trở thành người cung cấp dịch vụ, họ cần dạy tốt cả trên lớp lẫn ở nhà để đảm bảo uy tín, đồng thời luôn nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh. Hãy lựa chọn những cách giải quyết đúng đắn và có trách nhiệm, để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho các thầy cô giáo và một tương lai cho các cháu học sinh.
Vũ Mạnh Tuấn