Cái “Ngày mấy” của má được tính từ khi Tháng Chạp lăn bánh dần dần. Má sốt ruột một, tôi sốt ruột mười. Và tôi đã hiểu cảm giác vì sao lúc bé, mỗi khi tôi trông ngóng từng ngày đến Tết, để được khoe áo mới, được ăn bánh tét dưa hành và được nhận những phong bì lì xì đỏ chót đầy may mắn thì má lại rầu rĩ “Ước gì ba năm mới có Tết một lần!”.
Ngày tôi còn bé, nhà tôi nghèo đến độ chật vật mỗi bữa cơm thì chuyện sắm Tết là cái gì đó rất trăn trở của má. Tôi nhớ Tết của một năm xa nào đó, tôi đã khóc vì gần hết ngày ba mươi vẫn chưa có được bộ đồ mới nào để mặc, trong khi lũ trẻ hàng xóm đã khoe đủ thứ đồ đẹp, khiến má đang tất bật đủ điều còn thấy tôi nước mắt ngắn dài, không chịu được mới lôi vào nhà đánh cho một trận nên thân. Vậy mà tối đó, khi tôi còn nằm trong chăn khóc, tủi thân thì má lại vỗ về tôi bằng hai bộ đồ mới toanh. Tôi ấm ức không thò đầu ra khỏi chăn cho tới khi má đi ra ngoài.
Sáng mồng một Tết, ba chị em tôi ai cũng xúng xính trong những bộ đồ rực rỡ sắc màu, riêng má vẫn chiếc áo bà ba úa màu mà tôi chẳng rõ màu nguyên thủy của nó là gì. Chị em chúng tôi cười, má cũng cười nhẹ nhàng, hạnh phúc. Hồi đó vô tư, vô tư đến nỗi niềm vui và hạnh phúc chỉ là áo mới, kẹo ngon mà không biết rằng má và ba còn nhiều lo lắng.
Nhiều cái Tết trôi qua, tôi bộn bề nơi xa với cuộc sống và công việc, mỗi độ Tháng Chạp về, cái se lạnh, cái vội vã chốn thị thành càng làm cho tôi nhớ Tết quê xa. Tôi học hỏi người ta mua quà cho nhà dịp Tết, sắm cho má bộ đồ mới hoặc vài thướt vải để má diện xuân, rồi bánh trái, rồi kẹo mứt, chọn chọn, lựa lựa những phong bì đỏ chói người ta bán ngoài đường, mua thật nhiều, thật nhiều để cho má phát cho những đứa cháu gần xa, cũng không quên đổi thật nhiều tờ 5.000 đồng, 10.000 đồng mới mà ai ở quê nhìn thấy cũng thích.
Vào dịp cuối năm, nhà nhà, người người ai cũng bận rộn và tôi cũng vậy nên những câu chuyện ngắn gọn của tôi với má chỉ vỏn vẹn nội dung dặn dò "má đừng mua sắm gì cả, con mua đủ rồi".
Như ngày nhỏ tôi thường trông ngóng mỗi lần má đi sắm Tết, thì bây giờ má lại ngóng chờ tôi về mang theo không khí Tết về và rồi vẫn những cuộc điện thoại vỏn vẹn nội dung “Nhỏ ơi, ngày mấy con về?”.
Lịch Tết đã có nhưng lại bồn bề với tiệc tùng, tất niên chia tay bạn bè, hội nhóm, tôi ậm ừ “Con sẽ về trước giao thừa má ơi.” Để rồi khi tôi về đến, má cũng đã sắm sửa phần nào, hoa mai, hoa vạn thọ đã khoe sắc vàng cả sân. Má giải thích, tính má không có ở không được, phải làm gì đó cho mình bận rộn hơn, rồi má lại lúi cúi ngồi gói những tày bánh tét như ngày xưa.
Ngày còn bé cứ nghĩ rằng lớn lên, đi làm, có tiền rồi sẽ thay má sắm sửa tất tần tật cho ngày Tết, nhưng những thứ tôi làm ra, những thứ tôi sắm sửa được chỉ có thể là vật chất. Bánh kẹo có thể ngon hơn, hộp mứt, hộp trà gói ghém sang trọng hơn, thùng bia, chai rượu ngoại thay cho hũ chuối hột góc nhà nhưng tôi chưa từng kịp phụ má lau dọn bàn thờ tổ tiên, phụ má lau lá chuối, ngâm lạt chẻ bằng tre cho má gói bánh. Lời hứa ngày xưa “lớn lên con sẽ gói bánh tét thay má” đến bây giờ vẫn chỉ là lời hứa trong vô vàn lời hứa đã cố tình lãng quên.
Những lần ngồi canh nồi bánh tét, trong ánh lửa bập bùng đầy sức sống, tôi nhận ra má không còn sợ Tết như ngày xưa nữa, nhưng tôi lại thấy sợ. Tôi sợ khi nhận ra ánh mắt má bắt đầu nheo lại, khuôn mặt đã hằn lên những vết nhăn, tôi sợ khi bàn tay má run run cầm tay tôi nói “Con lớn rồi, má cũng đỡ lo!”. Không hiểu sao tôi lại mong cho mình cứ bé dại mãi với má mà thôi. Tôi nhớ cảm giác đau khi bị má đánh đòn, tôi muốn được má lo lắng, săn sóc mỗi độ Tết về để tôi biết rằng má tôi còn khỏe lắm, để tôi không phải băn khoăn bồi hồi cảm nhận giọng má run run trong điện thoại “Nhỏ ơi, ngày mấy con về?”.
Bùi Thị Kiều Trang
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |