From: nguyenthuyen
To: webmaster@vnexpress.net
Sent: Sunday, February 10, 2002 7:00 AM
Subject: Nho ngay 29 tet
Ở Việt Nam giờ này đã sang ngày 29 tết. Tôi thấy nhớ quê đến cồn ruột. Không rõ tôi có áp đặt cảm xúc của mình cho người khác không nhưng những ngày cuối năm này có người Việt nào lại không nhớ Việt Nam cho được?
Tôi là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Dù sống trên thành phố song năm nào cũng về quê đón tết. Sắm tết ở quê, chúng tôi không mua rau quả và thịt để nhét đầy tủ lạnh như người thành phố. Đồ ăn mua về để dùng cho mấy ngày tết được xếp dưới sàn bếp, có lót vài tàu lá chuối thật tươi để rau không bị hỏng. Bánh tráng để làm nem được vùi dưới đống rau cho mềm và dễ gói. Gà mua về nhốt trong lồng, đêm ba mươi sẽ làm thịt hết gà vì mẹ tôi không muốn sát sinh trong những ngày đầu năm mới.
Cha muốn tất cả con cháu được tham gia gói bánh chưng nên nhà tôi bao giờ cũng gói bánh vào sáng ngày 29 này đây. Chị dâu tôi ngâm đỗ, nếp từ đêm hôm trước. Sáng sớm chị đã dậy thổi đỗ, ướp thịt. Chúng tôi thì lăng quăng ngoài sân giếng, đứa thì rửa lá, lau lá, đứa thì giã đỗ, nặn đỗ thành từng nắm tròn tròn.
Chúng tôi trải hai cái chiếu ra sân trước, đặt sẵn một cái nia. Chỉ có cha tôi là người biết gói bánh. Mấy đứa cháu ngồi chọn lá non riêng, lá già riêng rồi áp những cái mặt nứt nẻ vì gió đông của chúng vào mặt sau từng tàu lá non để tước xông lá bằng răng. Chốc chốc, chúng lại cầm một nắm cuống lá vụt vào nhau túi bụi.
Cha và anh tôi xếp lá để gói bánh, cái thì úp, cái thì ngửa. Cha xúc một bát gạo đổ xuống dưới. Cho nửa nắm đậu vào giữa rồi giàn đều ra, sau đó cha xếp thịt, rồi lại đậu, lại một bát gạo khác. Cái bánh đầu tiên bao giờ cũng được mọi người săm soi kỹ, nhất là bọn trẻ. Đứa thì khen vuông, đứa thì chê méo. Có đứa còn nhận xét rằng chỉ có cha tôi mới gói được cái bánh hơi có hình chữ nhật thế này. Cãi nhau chán chúng còn vác thước ra đo các cạnh bánh, làm ai cũng phải bật cười.
Cha gói đến trưa mới được dăm chục bánh. Ăn trưa xong cha lại tiếp tục gói, mọi người tíu tít phục vụ xung quanh. Đến khi được gần trăm chiếc, cha bắt đầu quay sang gói những cái bánh tét nhỏ xíu cho bọn trẻ. Cứ đếm đầu lũ cháu xem có bao nhiêu đứa cha gói từng ấy chiếc. Nhà tôi bao giờ cũng gói nhiều bánh chưng hơn những nhà xung quanh. Phần vì để biếu họ hàng, phần vì cha tôi muốn khi ăn tết ở quê xong, mỗi đứa cháu được chia vài cái bánh để mang lên thành phố, ăn rả rích đến tận rằm tháng giêng.
Đêm luộc bánh chưng mới là sự kiện lớn trong năm đối với cả nhà. Chúng tôi bắc nồi ngoài sân, luộc bánh với những cây củi thật to và bao nhiêu là trấu. Bọn nhỏ tíu tít quanh nồi bánh và thức qua đêm cứ như người lớn ấy. Đứa nào cũng thấy mình quan trọng. Chúng tôi đều quấn một tấm chăn mỏng quanh người, ngồi co ro quanh bếp lửa. Thỉnh thoảng có một làn gió lạnh thổi qua, cái nia chắn gió lại xoay như chong chóng. Đôi lúc, chúng tôi thả vào bếp lửa vài củ khoai lang, khoai tây, đặt lên than hồng vài con cá khô. Hễ cái gì nướng được là chúng tôi mang ra nướng sạch. Ăn uống chán chúng tôi lại bày trò hát hò, trêu chọc nhau. Rồi chị dâu và anh tôi khiêng lên mấy chậu nước giếng thật đầy và trong. Chúng tôi thay nắp nồi bằng những chậu nước như thế. Trên mặt chậu đậy một cái mâm để bụi trấu không bay vào nước được. Nước trong chậu ấm lên rất nhanh nhờ hơi trong nồi bánh. Cứ độ nửa tiếng lại được một chậu nước ấm thật đầy. Chị tôi khi thì thả vào ít cây mùi, khi thì nắm lá dâu, lá chanh và bồ kết. Chúng tôi ngâm chân, ngâm tay chán thì tắm, gội cả đêm với những chậu nước ấy, hết người lớn lại đến trẻ con.
Sáng ra, khi bánh chín cũng là lúc mọi người ai nấy đều đã mệt và nhọ nhem như cũ, cứ như là chưa từng có cái việc tắm tất niên đêm trước vậy. Chúng tôi nếm thử những chiếc bánh còn nóng hổi và ướt nước. Rồi trong khi anh chị tôi vẫn tất bật với việc vớt bánh, ép bánh, cả lũ chúng tôi đã lăn ra ngủ như những đứa trẻ thực thụ. Một giấc ngủ thật ngon để bù cho đêm qua thức trắng và để chuẩn bị cho việc thức đón giao thừa đêm ba mươi. Trong giấc mơ, hương vị bánh chưng và âm thanh của những câu chuyện vui đùa trong đêm luộc bánh còn như lẩn quất đâu đây.