"Hôm nay Thanh nhận giấy báo nhập học rồi anh ạ. Hôm nay, cũng là lần đầu tiên Thanh mua cho anh cái gì đó. Một bao ngựa trắng anh vẫn hay hút, một chai rượu nhỏ, ba bông hoa hồng và vài quả quýt. Toàn những thứ anh thích đúng không? À! Thanh còn mua cho anh cả tiền và đô nữa. Mà nhà mới của anh cũng bắt đầu mọc cỏ rồi đấy. Anh ở nơi đó một mình có cô đơn không? Thanh sẽ luôn bên anh...”.
Chuyện của tôi, câu chuyện vừa mới đây thôi, nước mắt tôi còn chưa kịp khô. Anh là con nhà chị ruột của bố tôi. Anh qua nhà tôi ở vì gia đình cũng như cả dòng họ đều nói: “Không thể chấp nhận một đứa hư hỏng, cờ bạc... như vậy”. Sống cùng nhà, ăn cùng mâm nhưng chúng tôi chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Trong mắt tôi, anh vẫn luôn là người “hư hỏng, cờ bạc...”. Tôi và anh cứ như hai người xa lạ cho đến cái ngày định mệnh ấy - ngày tôi biết tin mình trượt đại học.
Tôi đóng cửa giam mình trong phòng và khóc lóc suốt cả ngày. Không ai khuyên can được tôi, mọi người đành bảo cứ để cho tôi thời gian để lấy lại cân bằng. Đêm hôm đó, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn ánh trăng nhòa theo dòng nước mắt giữa bầu trời đen vô định như tâm trạng tôi lúc đó. Anh bước đến gần tôi, đưa cốc sữa nóng trên tay về phía tôi:
- Uống đi!
- ...
- Tao bảo mày là uống đi!
Tôi không đủ sức để nói gì, tôi quay mặt ra cửa sổ để giấu 2 dòng nước mắt lại tiếp tục lăn dài. Anh đặt cốc sữa xuống bàn và đưa tay quệt ngang dòng nước mắt trên má tôi. Đôi bàn tay mềm mại, chẳng bao giờ phải lao động của anh thật ấm áp:
- Thanh ơi! Nghe anh này! Đó chỉ là vấp ngã đầu đời thôi. Em phải mạnh mẽ thì mới có thể bước tiếp trên đường đời chứ!
Tờ giấy mà anh đã để lại cho tôi. |
Tôi nhoài người ôm chầm lấy anh mà khóc nức nở đến lúc ngủ thiếp đi. Hôm sau tỉnh dậy, trong phòng tôi có một tờ giấy của anh để lại: “Hãy khóc nếu muốn nhưng đừng cho phép bản thân gục ngã”. Tôi biết đó là do anh viết nhưng tôi làm sao có thể không gục ngã được cơ chứ? Tôi vẫn cứ giam mình trong phòng, không quan tâm gì cả.
Hai tuần sau trên trường có giấy báo kết quả nhưng tôi cũng chẳng lên nhận giấy, tôi vẫn cứ giam mình trong phòng và khóc lóc. Khi chiều muộn, tôi nghe điện thoại mẹ gọi về, giọng mẹ lạc trong tiếng nức nở, ngắt quãng:
- Connn... đầu phố... anhhh.... Hiếuuu... tai nạnnnnnnn...ức ức...nộp....hoọooo....nguyện vọnggggggg haiiiiiii.......
Chưa nghe hết câu tôi đã hiểu được mọi chuyện, tôi lao như điên ra ngoài. Tại sao chứ? Tại sao anh lại đi lấy giấy báo của tôi? Tại sao anh phải đi nộp nguyện vọng 2 hộ tôi? Tại sao anh lại bị tai nạn? Tại sao? Một đám đông xúm lại bàn tán nạn nhân bị xe ngáng qua người. Tôi cố chen đám đông vào phía trong, không ai dám lại gần người tai nạn. Một cái chiếu che dọc người, máu tràn dòng dưới đất, thấm qua chiếu, cánh tay trái hở ra ngoài chiếu, vắt ngang. Tôi lao vào cầm lấy bàn tay của anh. Lạnh ngắt và cứng đờ. Không. Đây không phải là bàn tay của anh tôi, đôi bàn tay ấm áp của anh đâu rồi? Tôi ngất lịm đi vì quá mệt mỏi nhưng tôi vẫn nắm lấy đôi bàn tay cứng ngắc, không hơi ấm của anh. Tôi không tin...
Mọi chuyện dường như vừa mới đây thôi, hơi ấm từ đôi bàn tay của anh vẫn đang trong tay tôi vậy mà giờ tôi đã không thể gặp được anh nữa rồi! Ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết của con người trên cuộc đời này dễ làm ta đôi khi thấy mông lung đến bé nhỏ. Hôm nay, vẫn nắm tay thật chặt vậy mà ngày mai đã tan biến như một cơn gió... Điều đó cũng có nghĩa hôm nay ta ngồi nơi đây lòng thênh thang nghĩ về tương lai với bao điều tốt đẹp nhưng ngày mai vẫn cứ là “ngày mai” với những điều mà chúng ta không biết trước, không đoán định, càng không thể nắm bắt hay điều khiển được.
Thanh Hà
Từ ngày 19/8 đến 30/9, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Những đôi tay kỳ diệu" do VnExpress cùng Green Cross phối hợp tổ chức. Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 500-1.000 từ, kể về những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng thông qua hình tượng đôi tay. Xem thể lệ chi tiết tại đây. |