Hôm nay là ngày rằm tháng 6 (Âm lịch), nên có thêm nhiều hàng hoa bày bán trước cổng chợ, người đến mua đồ thờ cúng cũng đông hơn.
Một tiểu thương cho biết, hôm qua, chị đi ngủ sớm để chuẩn bị sáng nay dậy sớm bán hàng, nên khi thành phố thông báo cách ly xã hội, chị không biết. Sáng nay chị ra đến chợ, nghe loa truyền thanh thông báo mới nắm được, nên hơi bất ngờ. Tuy nhiên, chị ủng hộ quyết định của thành phố để sớm đẩy lùi dịch bệnh. "Tôi nghe thông báo mừng quá, vì thành phố không cấm chợ truyền thống hoạt động. Nên chúng tôi vẫn còn có thể bán hàng mưu sinh", chị nói.
Từ khoảng 6h đến 6h30, khi các chợ dân sinh, siêu thị bắt đầu mở cửa, lượng hàng hóa theo ghi nhận vẫn phong phú như ngày thường; nhiều nơi không xảy ra cảnh người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ vào sáng sớm. Tuy nhiên, một số chợ trong ngõ phố ở Ba Đình, Hoàng Mai..., người đi chợ khá đông, dẫn đến việc chưa đảm bảo giãn cách theo khuyến cáo.
Theo khuyến cáo của thành phố, do có kế hoạch và chuẩn bị từ trước nên nguồn hàng hóa được chuẩn bị dồi dào, "người dân không nên quá lo lắng mà mua nhiều đồ tích trữ, hay đổ xô đi siêu thị để tránh tụ tập đông người, ảnh hưởng đến việc phòng, chống dịch".
Giao thông trên nhiều tuyến đường ở thủ đô thông thoáng lúc đầu giờ sáng, các tuyến phố Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt... thưa vắng phương tiện. Nhưng từ khoảng 8hh30, lưu lượng xe cộ tại một số tuyến đường tặng nhẹ.
Sáng nay xe ôm và shipper trên đường phố cũng ít hơn so với những ngày trước. Theo chỉ thị tối qua, Hà Nội dừng hoạt động xe ôm chở khách (cả xe công nghệ và truyền thống). Trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, anh Trần Văn Thái đang lo lắng cho những ngày sắp tới. Nghe tin thành phố giãn cách, sáng nay anh đi làm sớm hơn thường lệ, từ 5h. Nguồn thu nhập chính của gia đình anh phụ thuộc vào việc chạy xe ôm công nghệ. "Tôi đang tính chuyển sang đi giao đồ ăn. Những ngày tới có lẽ sẽ rất khó khăn", anh nói.
Tại một góc nhỏ trên đường Phạm Văn Đồng, bà Nguyễn Thị Bé đang cố bán hết thúng xôi để trở về nhà. "Đêm qua thành phố mới quyết định, nên tôi không hay biết. Tôi bán xong hôm nay, từ mai sẽ nghỉ vì người dân ít ra đường thì sẽ ít khách", bà nói.
Trước đó, sau khi thành phố ban hành quyết định cách ly xã hội, lúc 0h30 ngày 24/7, hầu hết các hàng quán ven đường đóng cửa, tại một số chốt kiểm soát cửa ngõ trong đó có chốt đặt tạị quốc lộ 21B (huyện Ứng Hòa) phương tiện qua lại thưa thớt.
Chốt kiểm soát số 3, điểm tiếp giáp chợ Dầu (huyện Ứng Hòa) và xã Tượng Lĩnh huyện Kim Bảng (Hà Nam), trong vòng một giờ đầu ngày 24/7 chỉ có 10 phương tiện đi vào thành phố. Lực lượng liên ngành ứng trực, yêu cầu người dân khai báo y tế, xuất trình giấy tờ tùy thân. Các phương tiện từ hướng Hà Nội ra khỏi thành phố, qua chốt không phải khai báo.
Lúc 3h, trên đường Nguyễn Trãi hàng chục xe máy chở thực phẩm lao nhanh theo hướng vào trung tâm thành phố. Cùng lúc, trục đường Giải Phóng hướng ra quốc lộ 1, từng nhóm 2, 3 xe máy chở đồ đạc rời thủ đô.
Dừng xe đợi bạn, chị Bùi Xuân (Hà Nam) cho biết chị làm tại cửa hàng ăn uống trên phố Phùng Hưng. Những ngày trước cửa hàng chị vẫn duy trì bán cho khách mang về và giao đến tận nơi khách đặt.
"Từ tối qua khi nghe có tin thành phố chuẩn bị giãn cách, chủ cửa hàng đã bảo chúng tôi dọn dẹp sạch sẽ đồ đạc để nghỉ hai tuần", chị Xuân nói và cho hay một số đồng hương hẹn nhau sớm nay đi xe máy về quê.
Chị Xuân bảo không biết về quê có bị cách ly hay yêu cầu giấy xét nghiệm không, nhưng chị vẫn quyết về vì ở lại không có việc làm và nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Hơn 4h, trên các tuyến phố lác đác người chạy bộ dù hoạt động thể dục ngoài trời đã bị thành phố cấm từ nửa tháng trước. Ngoại trừ khu vực Hồ Gươm có chốt công an, dân phòng nên vắng vẻ, các khu vực công cộng khác vẫn ghi nhận nhiều người tập thể dục lúc rạng sáng.
Xua tay ra hiệu không được lại gần, ông Lâm (phố Trần Đại Nghĩa) vừa chống tay tập động tác xoay hông vừa bảo, ông tập thể dục buổi sáng cả chục năm, sáng nào không được tập là khó chịu.
"Chúng tôi già khó ngủ, cứ 4h là rủ nhau ra công viên Thống Nhất đi bộ. Giờ công viên đóng thì đi loanh quanh bên ngoài. Cũng biết là chính quyền cấm nên cố đi sớm về sớm và không tán chuyện với nhau như trước", ông Lâm nói.
Chính quyền thủ đô quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6h ngày 24/7, kéo dài trong 15 ngày. Những ngày gần đây, số ca bệnh mới phát hiện tại Hà Nội liên tục tăng, trong đó có nhiều chùm bệnh không rõ nguồn lây. Tổng số ca nhiễm tích lũy từ ngày 29/4 (đợt dịch thứ tư) là 666, trong đó 397 ca bệnh thuộc các chùm chưa qua 14 ngày.
Võ Hải - Tất Định - Viết Tuân