Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ hai, 16/5/2022, 06:00 (GMT+7)

Nhịp sống nơi biển đảo Trường Sa

Khánh HòaGiữa sóng nước khơi xa, nhịp sống hàng ngày của quân, dân huyện đảo Trường Sa vẫn tràn đầy sức sống, góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng Tổ quốc.

Huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, rộng khoảng 500 km2 với ba đơn vị hành chính là thị trấn Trường Sa, hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn, nằm về phía đông và đông nam biển Việt Nam. Đảo gần đất liền nhất cách Cam Ranh chừng 250 hải lý.

Những năm gần đây, huyện chủ yếu phát triển kinh tế biển với nhiều âu tàu, dịch vụ hậu cần tàu cá... Ngoài ra, huyện còn phát triển nghiên cứu khoa học, y tế, văn hóa... cho quân, dân trên các đảo và ngư dân đánh bắt trên ngư trường Trường Sa

Xã đảo Song Tử Tây nằm phía bắc huyện đảo Trường Sa. Cuối năm 2021, đảo chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão Rai với gió giật cấp 14 khiến gần 90% cây xanh ngã đổ, nhiều cơ sở vật chất hư hại, song đến nay phần lớn thiệt hại đã được khôi phục.

Một góc ở xã đảo Song Tử Tây nhìn từ biển.

Các con đường trên đảo đã được bê tông hóa sạch sẽ, hai bên hoa bung nở trong nắng thêm rực rỡ. "Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc, lực lượng hải quân còn có nhiều chương trình gắn kết người dân đang sinh sống trên đảo như giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, học tập pháp luật...", trung tá Lê Văn Nam, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây cho biết.

Những giàn bí tăng gia của lính đảo xanh tốt trong cái nắng đầu hè. Sau cơn bão, hầu hết vườn rau xanh, củ quả hư hại nặng. Ngoài việc trực chốt, sẵn sàng chiến đấu, việc trồng rau củ quả cải thiện bữa ăn cũng là niềm vui nơi tiền tiêu Tổ quốc của những chàng lính trẻ mười tám, đôi mươi lần đầu ra đảo làm nhiệm vụ.

Chiến sĩ Nguyễn Trường Giang (Lữ đoàn 146) cho biết, ra đảo công tác gần 9 tháng, gặp nhiều khó khăn về thời tiết song luôn được gia đình, đơn vị động viên. "Ở đảo xa giúp tôi cảm nhận hơn sự thiêng liêng của biển đảo quê hương, tự lòng mình luôn sẵn sàng cầm chắc tay súng, giữ vững chủ quyền mà cha ông ta đã nằm lại để bảo vệ đảo", Giang nói.

Không bị ảnh hưởng nhiều bởi con bão Rai, đảo Sinh Tồn vẫn hiện lên một màu xanh đầy sức sống giữa biển cả với phi lao, phong ba, bàng vuông... Những cây xanh cổ thụ vẫn phủ bóng mát quanh đảo.

Tổ lính đảo Sinh Tồn tuần tra bên ngọn hải đăng.

Anh Lê Minh Hải cùng vợ và 2 con ra đảo Sinh Tồn sinh sống gần 5 năm nay. Ngoài nhiệm vụ dân quân tự vệ, anh Hải còn lượm vỏ ốc về làm nhiều đồ trang trí đẹp mắt như cây hoa, đèn ngủ... gửi vào đất liền tặng người thân.

"Lúc đầu ra đảo cũng khó khăn, song giờ đã quen với biển cả, với xóm nhỏ, gốc phong ba... Cuộc sống ở đây hầu như khá đầy đủ, con cái được đến trường, lúc nào nhớ quê thì lên chùa, ngư dân cũng thường xuyên vào đảo nên nhịp sống cũng khá nhộn nhịp", anh Hải nói.

Thị trấn Trường Sa là trung tâm huyện lỵ Trường Sa nằm trên đảo Trường Sa Lớn với đầy đủ điện, đường, trường, trạm... Ở thị trấn còn có chùa, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thư viện... nâng cao đời sống tinh thần người dân.

Đài khí tượng thủy văn ở thị trấn Trường Sa. Đây là khu vực thu thập số liệu gió, mưa... đầu tiên từ các cơn bão Thái Bình Dương để báo về đất liền tổng hợp, dự báo thời tiết.

Cũng như các đảo nổi khác, đảo Trường Sa Lớn có âu tàu sức chứa hàng trăm tàu cá. Ông Trần Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa cho biết, âu tàu là nơi thường xuyên để ngư dân vào sửa chữa, tiếp nước ngọt, dầu, đặc biệt là trú tránh bão.

"Ngoài ra, nhiều ngư dân bị bệnh cũng được quân y bệnh xá cứu chữa kịp thời. Sức sống ở Trường Sa vẫn hiên ngang mặc dù mỗi năm đón nhận trên dưới 10 cơn bão quét qua", ông Hoàng nói.

Ngư dân Tạ Ngọc Châu (bìa trái) và Nguyễn Văn Bình khoe thành quả con ốc vừa lặn được. "Tôi vừa ra đây một tháng, sau thời gian đi biển thường ghé vào thị trấn Trường Sa xin nước ngọt và đổ dầu để đánh bắt ngư trường này", ông Châu nói và cho biết khi còn đi biển vẫn chọn vùng biển này là nơi đánh bắt vì đó là quê hương, máu thịt của người Việt Nam.

Đời sống ở các đảo đã được cải thiện, điện năng lượng mặt trời đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của quân và dân trên các đảo, cáp truyền hình, mạng điện thoại cũng được phủ sóng để kết nối đất liền dễ dàng hơn.

Chiến sĩ hải quân kiểm tra hệ thống điện năng lượng mặt trời trên điểm đảo Đá Lớn C.

Ngoài các đảo nổi, Huyện đảo Trường Sa có hàng chục đảo chìm. Đại úy Bùi Đình Phan, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn cho biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, các điểm đảo Đá Lớn là nơi tiếp nhận hỗ trợ ngư dân bám biển. "Mỗi khi ngư dân có tai nạn trên biển, quân y sẽ tiếp nhận sơ cứu ban đầu rồi hỗ trợ chuyển về các bệnh xá ở các đảo nổi điều trị", đại úy Phan cho biết.

Một chiến sĩ trực gác ở đảo Đá Đông C, xa xa là những tàu cá đang đánh bắt.

Bình minh trên đảo chìm Đá Thị. Huyện đảo Trường Sa là địa phương đón ánh nắng mặt trời đầu tiên của cả nước.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, cho biết sau khi đến thăm một số điểm đảo, thấy được nhiều mô hình hay như vườn rau, khuôn viên để làm đẹp cảnh quan, môi trường... "Các đảo cố gắng đạt được các mô hình mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, mẫu mực về mối quan hệ quân dân", ông Luyện nói.

Phước Tuấn