Có lần tôi thấy chị hớt hải chạy rồi ngồi thụp xuống núp sau mấy gốc cây trong vườn hàng xóm. Theo sau là tiếng chửi rất to của chồng chị, tiếng đập đồ loảng xoảng bảo chị về nhà ngay, nếu không anh sẽ đốt hết quần áo.
Chị vẫn ngồi yên, chưa đầy một phút sau, mùi nhựa bốc lên nồng nặc trong mớ khói đen vút lên từ đám cháy trước sân nhà chị. Chạng vạng tối, tiếng chửi dịu đi, chị bước ra kể với tôi:
"Chế đang ngồi ăn cơm thì nó đi đá gà về thua nên chửi đánh chế. Nó lại đốt hết quần áo của chế rồi", chị kể, thản nhiên như đang kể chuyện ăn cơm uống nước mỗi ngày.
"Em hỏi thiệt, sao chế không bỏ ổng đi? Sống vầy khổ quá?", tôi hỏi.
"Chế không có nơi để đi cưng ơi. Chế mà bỏ được nó chế ăn chay trường" - chị vừa nói vừa xoa xoa vết thương cũ trên tay.
Chị Hương ở nơi khác đến làm dâu xứ này. Tính tình chị xởi lởi, hiền lành, thân thiện nên cả xóm ai cũng thương. Đám cưới chưa tròn tháng, những trận đánh chửi đã bắt đầu. Chị Hương không nghề nghiệp, chồng đi làm phụ hồ. Lúc chị mang đứa con đầu lòng, nhà hết gạo ăn, ngoại tôi bảo mẹ xúc gạo trong nhà cho. Nhưng đứa con thứ nhất rồi thứ hai ra đời liên tiếp. Những trận đòn nhừ tử, những lời chửi mắng diễn ra gần như mỗi ngày. Thua bài đánh, thua độ đánh, nhậu say đánh... chị Hương cứ chạy trốn như vậy. Cũng có lần xóm tôi gọi công an, can được hôm đó, hôm sau mọi thứ lại như cũ.
Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra). Cứ ba phụ nữ thì có gần một người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Và con số trên có thể chỉ là bề nổi của tảng băng, vì có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ.
Không chỉ ở Việt Nam, bạo lực gia đình xảy ra trên toàn cầu và được Liên Hợp Quốc gọi là "đại dịch trong bóng tối". Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở cấp độ toàn cầu, cứ ba phụ nữ thì có một người đối mặt với bạo lực về thân thể hoặc tình dục. Hầu hết các vụ bạo lực là do bạn trai hoặc người chồng hiện tại/chồng cũ gây ra. Theo số liệu của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), bạo lực gia đình gây thiệt hại khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, tương đương 2% GDP toàn cầu.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007 và tiếp tục được bổ sung sửa đổi trong bộ luật cùng tên 2022, có hiệu lực từ tháng 7/2023. Tuy nhiên, khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022 cho thấy 40% người trả lời cho biết họ không tiếp cận được (30%) hoặc không nhớ (8%) về các thông tin, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình trong 12 tháng qua. Phần lớn chỉ hiểu biết một chút (45,8%), thậm chí có một bộ phận không hiểu gì (13,5%) về quyền và nghĩa vụ đối với việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Một số quốc gia như Australia, Thụy Điển, Canada có xu hướng bắt tay vào vấn đề từ lúc nó chưa bắt đầu (giai đoạn phòng ngừa), cho đến lúc nó diễn ra (can thiệp giải quyết) và sau cùng là làm sao để nạn nhân, gia đình vượt qua được những khó khăn, thiệt hại, ám ảnh về thể chất và tinh thần (can thiệp sau bạo lực).
Giai đoạn phòng ngừa ban đầu, các nước tập trung không chỉ tuyên truyền cho phụ nữ về việc bảo vệ họ trước bạo lực mà còn tuyên truyền, giáo dục nam giới và trẻ em trai. Một số nước tổ chức chiến dịch "ruy băng trắng - hãy xỏ chân vào giày của cô ấy" nhằm giáo dục nhận thức và huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Một số nước khác còn mở đường dây nóng, trung tâm tư vấn cho nam giới trong vấn đề quản lý cảm xúc và xử lý khủng hoảng - một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo hành gia đình.
Ở giai đoạn can thiệp, ngoài việc can thiệp khi bạo lực gia đình xảy ra, họ còn tổ chức để nhân viên xã hội giúp xác định sớm những đối tượng có nguy cơ cao hành xử bạo lực hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Một trong những mô hình đã được triển khai hiệu quả tại Australia là các Nhà tạm lánh - cung cấp các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, các dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, sự bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp... nhằm giúp nạn nhân bạo hành có nơi trú ẩn trước mắt. Quá trình thu thập khai thác thông tin về từng hoàn cảnh cụ thể ở giai đoạn này được dùng làm cơ sở dữ liệu để các cơ quan liên quan khác xây dựng phương án bền vững cho các nạn nhân bạo lực gia đình trong giai đoạn sau.
Hiện một số địa phương ở Việt Nam đã học tập, triển khai mô hình Nhà tạm lánh, nhưng các hoạt động ở những giai đoạn trước và sau Nhà tạm lánh chưa được triển khai đồng bộ.
Bất chấp những nỗ lực trong việc phòng chống bạo lực, thể hiện qua các hành lang pháp lý, phụ nữ và trẻ em vẫn tiếp tục bị bạo hành trên nhiều vùng đất nước. Bạo lực gia đình là một vấn đề dai dẳng và cần nhiều nguồn lực để giải quyết. Nhà tạm lánh chỉ là một giải pháp tạm thời, cần kết hợp chặt chẽ với việc tuyên truyền giáo dục; cũng như quá trình cung cấp các dịch vụ hỗ trợ bền vững sau bạo lực.
Nhưng ít nhất, có một nơi tạm để lánh, những phụ nữ như chị Hương sẽ biết phải chạy đến đâu để trốn cơn giận.
Và nhà tạm lánh là một ví dụ cho thấy, nếu chỉ có hành lang pháp lý mà không có nhiều chương trình hành động có liên quan thì các nỗ lực chống bạo hành gia đình cũng trở nên tuyệt vọng như hình ảnh của chính tôi: hồi hộp nhìn chị Hương núp hết lùm cây này đến lùm cây khác.
Ngô Tú Ngân