![]() |
Ánh đất - phần ánh sáng mặt trời từ trái đất phản xạ lên mặt tối của mặt trăng. |
Một phần ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất sẽ bị nó khúc xạ qua khí quyển, rồi được mặt trăng đón lấy. Ánh sáng đó được gọi là ánh đất. Người ta chỉ quan sát được ánh đất ở phần tối của mặt trăng. Cường độ của ánh đất được gọi là albedo. Các nhà khoa học cho rằng, bằng cách đo đạc, đánh giá sự biến thiên của albedo, người ta có thể dự báo được sự thay đổi thời tiết trên trái đất.
Các nhà khoa học đã quan sát phần bị che khuất của mặt trăng trong 200 đêm, kéo dài suốt 2 năm, kể từ năm 1998. Trước đó, trong những năm 1994 và 1995, người ta cũng đã tiến hành quan sát chúng trong 70 đêm. Những quan sát này cho thấy albedo đã có dấu hiệu giảm nhẹ trong 5 năm qua, và điều này có liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng của các hoạt động từ tính trên mặt trời.
Ông Phillip Goode, trưởng nhóm kỹ thuật của học viện New Jersey, nói: "Chúng tôi phát hiện abeldo đã giảm đến 2,5% trong vòng 5 năm qua. Điều này có ý nghĩa rất lớn". Cũng cần biết rằng, chỉ cần lượng ánh sáng phản xạ từ trái đất giảm đi 1%, thì nó đã ảnh hưởng đáng kể tới sự nóng lên của khí hậu toàn cầu.
Vào thế kỷ 15, lần đầu tiên danh họa Leonardo da Vinci đã giải thích được hiện tượng này. Theo đó, mặt trăng được mô tả như một tấm gương khổng lồ nhận ánh sáng mặt trời phản xạ từ trái đất.
Lâu nay, các nhà khoa học đã biết rằng khí hậu trên trái đất phụ thuộc rất nhiều vào lượng nhiệt mà nó hấp thụ từ mặt trời, nhưng điều đáng ngạc nhiên là mãi đến bây giờ, họ mới tìm ra mối liên hệ của nó với sự biến thiên của albedo.
Minh Hy - Mạnh Trường (theo ENN)