Thứ năm, 25/4/2024
Thứ bảy, 10/10/2020, 11:58 (GMT+7)

Nhìn lại 4 công trình dịp kỷ niệm 'nghìn năm Thăng Long'

Bảo tàng Hà Nội, công viên Hòa Bình, Cung tri thức và con đường gốm sứ là 4 trong số hàng chục công trình được khánh thành và gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bảo tàng Hà Nội được gắn biển "kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" hồi năm 2010. Đây là dự án lớn nhất do UBND Hà Nội làm chủ đầu tư, khởi công tháng 5/2008, tổng số vốn 2.300 tỷ đồng. Bảo tàng bốn tầng, nhỏ dần theo hình kim tự tháp ngược. Tổng diện tích gần 54.000 m2.

Theo lãnh đạo Hà Nội lúc đó, Bảo tàng Hà Nội cùng với Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình tạo nên quần thể kiến trúc liên hoàn và có tính hỗ trợ nhau. Xét tính thẩm mỹ, hai công trình kiến trúc làm nên một diện mạo tổng thể đẹp mắt, tạo điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách.

Bảo tàng Hà Nội lần đầu mở cửa đón khách tham quan ngày 6/10/2010, dự kiến trưng bày 50.000 hiện vật "có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, giúp người dân thủ đô và bạn bè trong nước, quốc tế hiểu thêm về Hà Nội và đất nước Việt Nam". Tuy nhiên, trải qua 10 năm, hiện vật vẫn chưa trưng bày xong. Số hiện vật sưu tầm được là hơn 7.000, chiếm tỷ lệ 14% so với dự tính 50.000 hiện vật ban đầu.

Tháng 10/2020, tầng một trống trơn, khắp nơi phủ bạt. Bảo tàng dừng đón khách tham quan từ giữa tháng 5 để thi công trưng bày nội thất."Do thủ đô mở rộng địa giới hành chính và việc sưu tầm hiện vật gặp khó. Đơn vị đang nỗ lực để hoàn thành", ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc bảo tàng trả lời VnExpress.

Hoạt động duy nhất trong bảo tàng diễn ra ở tầng một - triển lãm trực tuyến các tác phẩm thời kỳ Phục Hưng của danh họa người Italy Raphael.

Công viên Hòa Bình nằm tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) khánh thành trước đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội hai ngày, 8/10/2010. Công viên rộng 20 ha, tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng, được xây dựng nhân dịp Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu thành phố vì Hòa Bình năm 2000 và mong muốn nơi đây trở thành lá phổi xanh của thành phố.

Công viên có hồ điều hoà rộng 5,4 ha, bên trong có tượng đài Hòa Bình, khu vui chơi giải trí, ăn uống, lưu niệm. Công trình được thiết kế theo kiến trúc truyền thống với phong cách Á Đông, là công viên hiện đại nhất thủ đô lúc khánh thành, năm 2010.

Nằm ở ven đường quốc lộ có lượng container qua lại lớn, xa trung tâm nên công viên hiện đại nhất thủ đô vắng khách tham quan hơn so với nhiều công viên khác ở Hà Nội.

Công viên Hòa Bình và Bảo tàng Hà Nội là hai dự án trọng điểm từng bị thanh tra hồi tháng 5/2011.

Cung trí thức TP Hà Nội đặt tại khu đô thị Cầu Giấy, khánh thành sáng 4/10/2010, sau sáu năm xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 202 tỷ đồng. Nơi làm việc ước tính cho 1.500 người thuộc đội ngũ trí thức các hội, liên hiệp ở Hà Nội gồm hai khối nhà 13 tầng và ba tầng, tổng diện tích sàn gần 16.800 m2.

Công trình được lãnh đạo thành phố thời ấy kỳ vọng "tạo điều kiện để các cán bộ hội nghề nghiệp có trụ sở làm việc, phát huy nguồn tri thức quý báu của các chuyên gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố".

Sau mười năm hoạt động, Cung tri thức TP Hà Nội hiện có 43 đơn vị làm việc tại tòa nhà; số tiền nộp ngân sách hàng năm 9 tỷ đồng.

Năm 2010, một bức tranh gốm sứ dài gần 4 km ven sông Hồng, từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp thay thế cho bức tường bê tông xám xịt.

Công trình từ nguồn vốn xã hội hóa, do 20 nghệ sĩ Việt Nam, 15 nghệ sĩ quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hàng trăm nghệ nhân, thợ thủ công thực hiện trong vòng hai năm. Con đường mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Bình Dương, Đồng Nai...

Dòng chảy lịch sử của Thăng Long Hà Nội qua nhiều triều đại thể hiện ở nhiều trường đoạn trên con đường gốm sứ. Đoạn tranh hoa văn "Việt Nam trong dòng chảy lịch sử" dài 810m từng được Tổ chức Guinness thế giới trao chứng nhận "Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới". Công trình trở thành điểm tham quan của du khách, điểm chụp ảnh ưa thích của thanh niên thủ đô.

Qua thời gian, một số đoạn bong tróc, thành nơi phóng uế hoặc tập kết rác thải của người dân. UBND TP Hà Nội từng phải ban hành quy định nghiêm cấm các hành vi xâm hại, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị khu vực công trình.

Con đường gốm sứ từng trải qua hai lần tu sửa năm 2013 và 2017. Hồi tháng sáu, hơn 600 m bức tranh từ ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu bị phá dỡ để mở rộng đường đến cầu Nhật Tân. Các bức tranh gốm sứ không thể tháo dỡ, tái sử dụng.

Ngoài các công trình trên, dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố còn khánh thành tượng đài Thánh Gióng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, gắn biển đại lộ Thăng Long...

Ngọc Thành - Hoàng Phương