Chị Tuyết cho biết, triệu chứng tiểu không kiểm soát xuất hiện sau khi chị sinh con thứ hai. "Ban đầu, tôi cứ thường phải chạy vào nhà vệ sinh nhưng không kịp. Sau đó tình hình nghiêm trọng hơn, cứ cười to thì lập tức bị són", người phụ nữ ngần ngại chia sẻ.
Càng khám sớm, việc điều trị són tiểu càng dễ dàng hơn. Ảnh minh họa: V.B |
Nữ bệnh nhân 45 tuổi này nói rằng bệnh khiến vùng kín của chị lúc nào cũng ẩm ướt, kém vệ sinh. Từ đó chị ngại gần gũi chồng, dễ chán chường, dễ cáu gắt. "Tôi rất ngại, lần lữa mãi cuối cùng liều đến bệnh viện khám mới biết có nhiều người cũng mắc tình trạng giống mình", chị Tuyết nói.
Cùng bị chứng són tiểu như chị Tuyết là cô giáo Thủy, 53 tuổi ở Bình Dương. Cô giáo cho biết chỉ cần giảng bài to tiếng thì "sự cố" xảy ra. Là giáo viên, phải mặc áo dài đi dạy nên gần 5 năm qua, mỗi ngày cô đều phải mang thêm băng vệ sinh.
"Cứ mỗi lần hắt hơi, nước tiểu lại rỉ ra khiến tôi rất khó chịu và mất tự tin. Suốt một thời gian dài, tôi không dám nói với ai về bệnh của mình, ngay cả với chồng và con gái vì xấu hổ", cô giáo Thủy nói.
Chị Thu Vân, 54 tuổi, ở Đà Nẵng, mang bệnh són tiểu gần 6 năm, cũng cho biết thường xuyên phải dùng băng vệ sinh để thấm nước tiểu. Chứng bệnh khó nói khiến chị ngại đi ra ngoài, du lịch hay gặp gỡ bạn bè trong những buổi tiệc tùng.
Từng tiếp xúc và điều trị gần 200 trường hợp tương tự, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng khoa Niệu của Bệnh viện FV (TP HCM) cho biết, són tiểu, tiểu không kiểm soát là bệnh không hiếm gặp và đặc điểm chung là bệnh nhân nhập viện muộn. Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết, hầu hết bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng bệnh đã quá nặng.
"Không ít người cắn răng chịu đựng trong nhiều năm. Nhiều người đến khám khi bệnh đã quá nặng, cơ quan sinh dục ngoài do ẩm ướt lâu ngày đã nhiễm trùng nghiêm trọng. Phần lớn họ đến bệnh viện muộn là do ngượng hoặc đi khám nhưng không tìm được nguyên nhân", bác sĩ Tiến nói.
Bác sĩ Tiến cho biết, bệnh này thường gặp ở nữ giới, đủ mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là quanh tuổi mãn kinh do cấu trúc sàn chậu yếu đi. Ngoài ra, những người sinh nở nhiều lần và sinh qua ngả tự nhiên, người chơi thể thao quá sức cũng có thể mắc bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhàn, chuyên gia niệu động lực học, người có hơn 30 làm việc tại Pháp cũng cho biết, khảo sát của nhiều nước trên thế giới, có khoảng 40% phụ nữ bị són tiểu. Phần lớn bệnh nhân do xấu hổ nên không dám nói với ai. "Đây là phản ứng rất tiêu cực vì bệnh hoàn toàn có thể chữa được", bác sĩ Nhàn nói.
Cũng theo ông Nhàn, cách tốt nhất để xác định tình trạng bệnh là đo niệu động lực học gồm các khâu kiểm tra áp lực bàng quang, cổ bàng quang và áp lực cơ vòng niệu đạo, khả năng, mức độ kiểm soát tiểu...
"Phương pháp chữa hiện nay là bác sĩ có thể dùng một dải băng tổng hợp đặt dưới niệu đạo, nhằm tạo ra điểm tựa vững chắc thay cho các cơ vòng đã yếu và ngăn nước tiểu rỉ ra, tuy nhiên phát hiện và điều trị sớm vẫn là tốt nhất", ông Nhàn nói.
Còn bác sĩ Tiến khẳng định, khi phát hiện sớm, bệnh nhân không cần phải phẫu thuật can thiệp mà chỉ cần tập vật lý trị liệu. Người bệnh không phải mang gánh nặng tâm lý vì phải chịu đựng và điều trị cũng ít tốn kém hơn.
Thiên Chương
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi