Điều đầu tiên tôi nghĩ về con là cái tên. Có lẽ nhiều người đồng ý với tôi, cái tên bố mẹ đặt phần nào gửi gắm tình thương, tâm tình dành cho con.
Tôi đặt tên con là Bình Minh - giọt nắng đầu ngày xóa tan đêm tối. Nắng đầu ngày ấm áp, dễ chịu, có thể giúp nuôi dưỡng thân và tâm hồn con người. Bình Minh cũng là một hy vọng mới cho tương lai.
Tất cả những ý nghĩa tốt đẹp của cái tên ấy được tôi trao cho con, nó sẽ theo con suốt cả cuộc đời. Tất nhiên, tôi sẽ nói về ý nghĩa cái tên mà lúc đặt cho con, một người ba đã gửi vào, để con cũng cảm thấy ấm áp, dịu dàng, đầy yêu thương như tình yêu tôi dành cho cậu ấy.
Ông bà mình nói "con vào dạ mạ đi tu". Tu không phải là xuất gia, mà là sửa mình từ suy nghĩ, hành động, lời nói. Tôi từng đọc một số sách về thai giáo, các bác sĩ, nhà tâm lý theo trường phái "dạy con từ thuở còn thai" đã thống nhất quan điểm: có thể giáo dưỡng một đứa trẻ ngay khi bà mẹ hoài thai. Nói cách khác, những đứa trẻ trong bụng đã có thể cảm nhận được tình thương, lời nói, việc làm của bố mẹ, những người xung quanh, hoàn cảnh sống của mình. Có những đứa trẻ sinh ra với khuôn mặt u buồn, những người xung quanh hay liên tưởng đến tâm tư của người mẹ, "tại mẹ bé khi mang thai buồn lo nhiều thứ quá".
Thương con thì phải dạy con những điều tích cực, tử tế. Và sống tử tế. Đây là gia tài quý nhất trao cho con chứ không phải là những thứ vật chất bên ngoài. Nhiều bậc hiền trí đã nói như vậy vì nhiều lẽ, trong đó có một lẽ thật là, nếu không có sự tử tế, một con người càng có quyền lực và tài lực họ sẽ càng tàn phá thế giới, đồng thời cũng tàn phá chính họ.
Có ai không mong con mình sẽ lớn lên bình an, hạnh phúc, với một trái tim rộng mở?
Dạy con từ thuở còn thơ, hay nói cách khác là uốn măng. Đó không phải chỉ là lời nói và càng không nên là lời nói suông. Đó phải là thực chất từ suy nghĩ, lời nói, việc làm. Nói đi đôi với làm.
Không thể bắt một đứa trẻ ham đọc sách khi cả nhà ai cũng cầm điện thoại, lướt mạng xã hội mỗi ngày. Cũng không thể yêu cầu hay trông chờ một đứa trẻ biết sẻ chia, sống tích cực, tử tế khi bản thân mình - bố mẹ - chưa bao giờ làm một việc gì đó tốt đẹp, chưa sẻ chia, giúp đỡ bất kỳ ai.
Cuối tháng 5 vừa rồi tôi về quê thăm con trai. Bình Minh của tôi lên 6, chính thức rời trường mẫu giáo. Tôi hỏi con có vui không. Tất nhiên cậu bé rất vui. Đó cũng là vấn đề tôi quan tâm và mong ở con mình: đến trường phải có niềm vui, đi học phải hạnh phúc. Tôi luôn tự nhắc, sẽ luôn học cách chấp nhận và yêu thương con, miễn đó là lựa chọn chính đáng, phù hợp nhất của con.
Tôi thấy cả nhà trường và phụ huynh đôi khi chạy theo thành tích, trong sự ganh đua, hơn thua với nhau, muốn thể hiện với đồng nghiệp hoặc chỉ vì muốn khoe con cho bằng bạn bằng bè mà áp lực lên con cái, học trò. Những đứa trẻ gánh trên vai thành tích của người lớn chứ không phải chỉ là chuyện học hành của bản thân. Và các con không có hạnh phúc.
Thỉnh thoảng tôi vẫn hỏi những người bạn, đồng nghiệp của mình rằng, có bao giờ đặt quá nhiều ước vọng lên con cái. Đôi khi chính người lớn đã quên nhìn lại chính mình để tu (sửa) thói quen ấy, làm khổ con mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều bố mẹ truyền cho con khát khao thái quá chứ không phải khơi lên khát vọng để con bay cao trong khả năng của chính con. Lẽ nên, bố mẹ chỉ cần định hướng, tôn trọng quyết định, yểm trợ con thì lại làm thay con tất cả, từ hoạch định tương lai, lựa chọn con đường, đặt ra thành tích... Không ai có thể sống thay cuộc đời của bất kỳ ai, kể cả đó là bố mẹ - con cái.
Thương phải hiểu. Để hiểu phải lắng nghe. Con mình có tố chất gì, có trí thông minh nào, cần phát huy và chấp nhận những gì ở trẻ. Đó có lẽ mới là việc làm ý nghĩa, món quà tuyệt vời nhất bố mẹ có thể và cần trao cho con chứ không phải chỉ là vật chất khô khan đi kèm với những ước vọng cá nhân quá lớn của mình.
Hôm nay con đi học có vui không? Con có hạnh phúc không với những gì con đang có, với những việc bố mẹ làm cho con? Những câu hỏi giúp phản tỉnh này có đôi khi bị lãng quên, cho đến khi đứa trẻ - con mình - dồn nén đến mức phải gào lên trong nước mắt: Có bao giờ bố mẹ hiểu là tụi con muốn gì không?
Việc sửa mình của bố mẹ đôi khi là dừng lại, đừng tự tin cho rằng mình luôn đúng, đừng nghĩ con còn nhỏ, để đó bố mẹ lo cho.
Lưu Đình Long