Ông Thái Văn An, Chủ tịch xã Ngọc Sơn cho biết, số lợn này bị kẻ xấu vứt trộm từ tối hôm qua. Chính quyền xã nhận định đây là số lợn chết do mắc dịch tả lợn Châu phi nên phối hợp với cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm và đào hố chôn lấp theo quy định.
Theo ông An, xã đã nhiều lần tuyên truyền người chăn nuôi khi phát hiện lợn có dấu hiệu ốm, chết thì phải báo với cơ quan chức năng để tổ chức tiêu hủy nhưng vẫn xảy ra tình trạng vứt xác lợn bừa bãi. "Để ngăn chặn, thời gian tới xã sẽ tăng cường lực lượng kiểm soát các tuyến đường trên địa bàn", Chủ tịch xã Ngọc Sơn nói.
Xã Ngọc Sơn có tổng đàn lợn hơn 5.800 con. Hơn một tháng trước, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại đây, buộc các hộ chăn nuôi phải tiêu hủy 290 con lợn với trọng lượng 16 tấn.
Chiều 23/10, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An cho biết, chính quyền cấp xã, phường nơi xảy ra tình trạng lợn chết bị vứt ra môi trường phải chịu trách nhiệm tiêu hủy, thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch lây lan.
Nghệ An công bố xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ngày 13/3 tại xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu). Tới nay, dịch đã lây lan toàn tỉnh với 21 huyện, thị xã và thành phố với hàng chục nghìn hộ chăn nuôi. Hơn 77 nghìn con lợn với hơn 3.900 tấn đã bị tiêu hủy.
Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến ngày 20/10, dịch lây lan tại 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố với hơn 5,6 triệu con lợn đã bị tiêu hủy.
Ngày 27/6, Thủ tướng đã ban hành chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả châu Phi. Theo đó, lợn con, lợn thịt các loại được hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi; lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi...