Ngày 7/8, báo cáo nội dung giám sát chuyên đề "việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự", Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha dẫn chứng, vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank Việt Nam có thời gian giám định kéo dài 5 năm. Vụ án xảy ra tại Ngân hàng Á Châu cũng chậm định giá giá trị cổ phần, cổ phiếu, bất động sản.
Nêu thực tế tại địa phương, ông Dương Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Nội chính TP HCM cho biết, thành phố có 40 vụ án bị vướng về vấn đề giám định, trong đó có 3 vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, nhiều vụ thuộc diện Ban Thường vụ Thành uỷ theo dõi, chỉ đạo.
Theo ông Hải, các vụ án này đều trưng cầu Sở Tài chính thành phố giám định, tuy nhiên, Sở không kết luận, không trả lời có giám định được hay không dẫn đến vụ án kéo dài hơn 1 năm. Điều này khiến dư luận cho rằng cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng bao che, không xử lý. Bên cạnh đó, chi phí giám định trong nhiều vụ án rất cao, nhất là giám định công trình xây dựng chung cư.
"Có những vụ án để chứng minh hành vi tham ô số tiền hơn một tỷ đồng, nhưng chi phí giám định lại trên 1 tỷ nên không thể thực hiện được. Hay có những vụ trưng cầu giám định các toà nhà chung cư, cao ốc, chi phí giám định trên 10 tỷ thì cơ quan điều tra không thể có kinh phí", ông Hải nói.
Giải trình, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương thừa nhận vấn đề giám định tài chính, ngân hàng và đất đai rất khó khăn, nhất là liên quan tới góp vốn, cổ phần hóa, cổ phiếu, đầu tư, đối tác công tư...
"Như vụ án Phan Văn Anh Vũ hiện nay một lúc chúng tôi phải trưng cầu giám định thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành như Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, thậm chí cả Bộ Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường", ông Vương cho hay.
Theo Thứ trưởng Công an, chi phí cho giám định tư pháp cũng rất cao, như vụ giám định tụ điện, cháy điện ở Bắc Ninh chi phí mất vài tỷ đồng, riêng đường ống nước sông Đà cũng mất gần 4 tỷ đồng chi phí giám định.
Từ thực tế đó, ông đề nghị, các cơ quan lập pháp quan tâm, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác giám định tư pháp vì giám định kỹ thuật, tài chính phức tạp, nhiều cán bộ trưng cầu làm giám định viên lấy lí do để từ chối.
Thứ trưởng Tư pháp Phan Chí Hiếu thông tin, Bộ Tư pháp dự kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung Luật Giám định tư pháp như bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm các bộ, ngành chuyên quản lý lĩnh vực giám định, quy chuẩn giám định...
"Những đề xuất nói trên nhằm khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định, gây ảnh hưởng tới tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua", ông Hiếu nói.
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.