- Dưới góc nhìn chuyên môn, ông lý giải thế nào về vụ cá dữ áp sát bờ, tấn công người tắm biển ở Quy Nhơn?
- Chúng tôi nhận định loại cá tấn công người tại vùng biển Quy Nhơn thuộc liên bộ cá nhám, tên khoa học Euselachii (hoặc Selachomorpha). Tuy nhiên chưa xác định được loài vì không có mẫu cụ thể.
Ở bờ biển Quy Nhơn, bãi tắm và nơi neo đậu tàu thuyền đánh cá rất gần nhau, có đoạn tàu thuyền neo đậu ngay trước bãi tắm. Hoạt động của các tàu thuyền này đã thải chất tanh xuống biển, có thể lôi kéo một số loại cá dữ vào gần bờ tìm kiếm thức ăn.
Chúng tôi đoán là trong khi di chuyển, cá nhám nhầm mồi nên cắn vào tay, chân người tắm biển và tạo thành thói quen. Hay khi người tắm biển va phải, chúng sẽ đớp trả để tự vệ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên về nguyên tắc, cá khi nhìn thấy người đều sợ và thường lánh ra xa.
Phó Viện trưởng Hải dương học Nha Trang Võ Sĩ Tuấn (áo trắng bìa trái) trực tiếp ra bờ biển trao đổi với ngư dân về các vụ cá dữ tấn công người tắm biển Quy Nhơn. Ảnh: Minh Thảo |
- Những vùng biển nào của Việt Nam khả năng có cá dữ vào gần bờ, để cảnh báo người tắm biển?
- Về tự nhiên thì nhiều vùng biển nước ta có cá mập, cá nhám nhưng đều thuộc loại hiền và sợ người. Các trường hợp tấn công người vừa qua chỉ là đột xuất
Ngư dân Bình Định cho biết họ vẫn thường xuyên săn bắt cá nhám gồm nhám xanh, nhám mập... ở vùng biển Quy Nhơn. Tuy nhiên Việt Nam chưa có một dự án đầu tư nghiên cứu bài bản về sự phân bố của cá mập, cá nhám trên các vùng biển nội địa. Chỉ đến khi có việc xảy ra, ví dụ như đợt cá tấn công người lần này, mới đi kiểm tra, tìm hiểu.
- Khi chưa bắt được cá dữ cắn, người dân hoang mang lo lắng thậm chí không dám tắm biển. Ông có khuyến cáo gì?
- Trước hết phải bắt và đuổi được con cá đã gây ra mấy vụ cắn người vừa qua. Theo thống kê thì các vụ này đều xảy ra lúc triều lên (sáng sớm và chiều tối). Lúc này, cá nhám sẽ theo con nước vào sát bờ. Do đó, cần xác định thời điểm này để chặn bắt.
Về lâu dài, ngành chức năng thành phố Quy Nhơn cần quy hoạch lại bãi đậu tàu thuyền và lập trạm cứu hộ đặt tại bãi tắm để có thể ứng cứu kịp thời người tắm biển khi họ gặp bất trắc.
Với những gì xảy ra vừa qua thì đúng là người dân e ngại tắm biển nhưng không nên hoảng hốt vì đây chỉ là việc đột xuất, không thường xuyên. Tuy nhiên, người tắm biển cũng cần cảnh giác, nên đi thành đoàn để có thể giúp nhau khi có tình huống bất trắc. Không những thế, khi cá thấy đông người, chúng cũng sẽ sợ bỏ đi ra xa.
Cá mập đáng sợ nhưng lại hiếm khi chủ động tấn công người. Ảnh: National Geographic |
- Ở nước ngoài thường dùng lưới rào một khu vực vùng biển để phòng ngừa cá dữ. Tính khá thi của giải pháp trên như thế nào với các bãi biển Việt Nam?
- Các nước dùng phương pháp ấy vì vùng biển có nhiều cá mập dữ, người tắm biển thường xuyên bị tấn công, có khi đến mất mạng. Ví dụ ở Australia, mùa đông lạnh, dân không tắm biển được. Đến mùa hè, trước khi tắm, người ta dọn bãi để đuổi cá dữ đi xa, sau đó giăng lưới xung quanh bãi tắm cho an toàn. Hết mùa hè lại tháo ra.
Còn ở Việt Nam, mà “nóng” nhất hiện nay là thành phố Quy Nhơn, như tôi đã khẳng định, cá tấn công người chỉ là đột xuất. Vì thế, nếu đề cập đến việc dùng lưới rào để đảm bảo an toàn, chưa chắc đã hợp lý và cần thiết. Đó là chưa nói đến phương án này sẽ rất tốn kém.
Minh Thảo