Trong đó, 20 bệnh viện đạt giải thưởng Vàng, 9 bệnh viện đạt giải thưởng Bạch kim và 7 bệnh viện đạt chuẩn cao nhất là Kim cương. Bên cạnh các bệnh viện Hà Nội, TP HCM, những trung tâm đạt chuẩn còn đến từ nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ... Một số bệnh viện lần đầu tham gia quy trình quản lý chất lượng này, có những nơi đã đạt chuẩn nhiều quý liên tiếp.
Các chuẩn này đòi hỏi bệnh viện phải đáp ứng nhiều tiêu chí trong điều trị dựa trên các khuyến cáo tốt nhất hiện nay dành cho bệnh nhân, được Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) đánh giá và cấp theo từng quý. Trong đó, chuẩn Kim cương đòi hỏi nhiều tiêu chí gắt gao, trong đó bệnh nhân đột quỵ vào viện thì ít nhất 60% phải được tiếp cận, điều trị thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong vòng 45 phút. Cụ thể, bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu, bác sĩ làm sao để các quy trình khám, cho xét nghiệm, chụp CT và mời hội chẩn, dùng thuốc chỉ trong 45 phút.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Bệnh viện Quân y 175 - một trong 7 đơn vị đạt giải thưởng Kim cương, cho biết điều trị đột quỵ đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều chuyên khoa, kể từ lúc bệnh nhân vào cấp cứu. Để đạt chuẩn này, với thời gian điều trị cấp trung bình hiện nay khoảng 28 phút, bệnh viện lập nhóm hơn 100 thành viên từ nhiều khoa. Khi có bệnh nhân đột quỵ đến, hệ thống được kích hoạt để phối hợp ưu tiên cấp cứu nhanh nhất có thể, bởi với người đột quỵ, "cứ một phút trôi đi sẽ có hai triệu tế bào thần kinh chết đi nếu không được điều trị kịp thời".
GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian, Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển các kỹ thuật điều trị đột quỵ, có số trung tâm đạt chuẩn hàng đầu khu vực, chỉ xếp sau Thái Lan. 5 năm qua, Việt Nam có bước tiến lớn trong điều trị đột quỵ với sự ra đời của rất nhiều trung tâm trên khắp cả nước, các quy trình điều trị được chuẩn hóa, nhờ sự hỗ trợ của chương trình Angels.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, đến nay cả nước có hơn 100 trung tâm, có ý nghĩa rất lớn vì bệnh nhân đột quỵ cần được vào viện càng sớm càng tốt để có thể được cứu sống kịp thời, giảm tỷ lệ tàn phế, phục hồi tốt, từ đó giảm gánh nặng gia đình xã hội...
Lãnh đạo Hội Đột quỵ Việt Nam cho rằng dù số trung tâm đột quỵ tăng về số lượng và chất lượng, song so với các nước phát triển vẫn còn khoảng cách khá xa. Tính trung bình, một đơn vị đột quỵ tại Việt Nam điều trị trên 2.000 bệnh nhân mỗi năm, trong khi tại Mỹ chỉ 300 bệnh nhân. Điều kiện lý tưởng là khoảng 500 bệnh nhân trên một đơn vị đột quỵ.
"Khá nhiều tỉnh thành đến nay chưa có cơ sở điều trị, hoặc có nhưng không duy trì được 24/7, khiến nhiều bệnh nhân bỏ lỡ thời gian vàng điều trị trong những giờ đầu", bác sĩ nói và mong rằng thời gian tới có thêm nhiều trung tâm đột quỵ và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng trong điều trị, giúp bệnh nhân có thể tiếp cận bệnh viện trong vòng 60 phút sau khi khởi phát triệu chứng.
Tại Việt Nam và một số quốc gia, nguyên nhân tử vong do đột quỵ đã vượt lên đứng đầu, cao hơn cả tim mạch. May mắn, đột quỵ có thể phòng ngừa được. Hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều mang ít nhất một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ. Một người béo phì, hút thuốc lá, cao huyết áp, đôi khi kèm tiểu đường, nếu không kiểm soát hiệu quả các vấn đề thì biến cố đột quỵ xảy ra gần như chắc chắn.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người đến viện ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...
Lê Phương