Sáng 7/5, hàng chục lái, phụ xe buýt thuộc nhiều tuyến đi một số huyện, thị trong tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tập trung tại Bến xe Phía Nam (TP Huế), đồng loạt nghỉ việc nhằm phản đối những điều khoản chưa hợp lí trong việc chi trả tiền lương và chế độ cho nhân viên.
Các lái, phụ xe cho hay, sau khi được phía Công ty Hoàng Đức tiếp nhận, họ được trả lương thấp hơn khi còn làm việc cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý bến xe Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, mức lương bình quân hàng tháng được phía công ty chi trả cho lái và phụ xe giao động từ 2,1 đến 4,3 triệu đồng.
Theo một số lái, phụ xe, họ chưa được công ty mới cấp bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các chế độ khác từ việc làm tăng ca, trực đêm và trực bù, nhân viên đều không có tiền phụ cấp.
"Một số tài xế ốm đau đã gọi điện xin phép lãnh đạo công ty tạm nghỉ. Tuy nhiên, giám đốc công ty không đồng ý vì cho rằng sai nguyên tắc. Điều này khiến chúng tôi thấy quyền lợi của bản thân không được đảm bảo", một phụ xe bức xúc.
Ông Hoàng Đức Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Đức cho biết, sau khi trúng thầu, đơn vị này tiếp nhận 59 người bao gồm cả lái, phụ xe cùng 32 đầu xe buýt, hoạt động ở 5 tuyến trọng điểm thuộc địa bàn các huyện và khu vực nội đô của thành phố.
"Khi mới tiếp nhận, công ty đã quy định mức lương cụ thể cho từng vị trí lái, phụ xe. Một số người mới được nhận vào làm tại công ty nên các chế độ bảo hiểm, hợp đồng lao động vẫn chưa được ký", ông Hoài nói và cho biết phía công ty đang triển khai, hoàn thành thủ tục bảo hiểm cũng như hợp đồng lao động cho nhân viên trong thời gian sớm nhất.
Nhằm giải quyết việc hàng chục chuyến xe buýt không chịu rời bến, khiến hàng nghìn hành khách đã mua vé tháng ở nhiều tuyến cố định phải trong cảnh chờ đợi, ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện (Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế), cùng lãnh đạo Công ty Hoàng Đức đã xuống tận nơi các nhân viên đình công, tổ chức vận động, thuyết phục các tài xế trở lại làm việc.
Theo ông Hồng, một số kiến nghị, thắc mắc của các tài xế là không chính xác. "Sau khi làm việc, một số tài xế quá khích đòi nghỉ việc, số còn lại đã đi làm và các tuyến xe buýt hoạt động lại trong chiều cùng ngày", ông Hồng nói và cho biết việc tài xế đình công khiến 23 đầu xe buýt thuộc 5 tuyến của Công ty Hoàng Đức bị tê liệt, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. "Đây là sự cố đáng tiếc và đã xảy ra nhiều nơi nên mong người dân thông cảm. Chúng tôi sẽ chỉ đạo doanh nghiệp này đáp ứng các yêu cầu chính đáng của người lao động", ông Hồng thông tin thêm.
Trước đó, vào tháng 3/2015, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Đức (Thừa Thiên – Huế) trúng thầu cung ứng dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt nhờ chương trình xã hội hóa xe buýt do UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành. Thế nhưng, sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, công ty này đã vấp phải sự phản ứng của đội ngũ lái, phụ xe buýt do các chế độ lương bổng, phụ cấp cho nhân viên không đảm bảo.
Đắc Đức