Danh sách, tiêu chí trường đại học trọng điểm quốc gia là vấn đề được các đại biểu quan tâm tại tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 7/12.
Theo dự thảo, đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 30 trường trọng điểm quốc gia (5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng, 18-20 trường trọng điểm ngành).
PGS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang, thắc mắc về tiêu chuẩn cụ thể để các trường được trở thành đại học vùng, đại học trọng điểm ngành. Bà nói trong dự thảo, Bộ đề cập đến những tiêu chí như quy mô sinh viên, giảng viên, số giáo sư, diện tích nhưng chưa cụ thể. Ngoài ra, việc Bộ đưa ra danh sách trường trọng điểm có thể triệt tiêu sự phấn đấu của các trường.
"Chúng ta đặt mục tiêu quy hoạch trường A thành đại học vùng, liệu bản thân trường này có mặc định rằng không cần làm gì nữa hay không. Nếu những trường khác cũng phấn đấu và đạt được những tiêu chuẩn đó thì tại sao không chọn", bà Diệu nêu vấn đề.
Còn PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh, đề xuất bổ sung vào quy hoạch một đại học vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long để cân bằng với những vùng khác. Ông giải thích trong dự thảo, khu vực này chỉ có một đại học vùng là Đại học Cần Thơ, không tương xứng với quy mô, lực lượng lao động, sinh viên.
Đại diện trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Đồng Tháp cũng đề xuất đưa trường mình vào danh sách trường trọng điểm.
Trả lời, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói việc xác định đại học quốc gia, vùng, trọng điểm ngành không có tiêu chuẩn cụ thể. Với các tiêu chí số lượng, quy mô, phân bổ vùng miền và nhiều yếu tố khác, trường nào tốt nhất, có tiềm năng nhất sẽ được chọn để quy hoạch.
Ông lấy ví dụ khi xác định đại học vùng cần quan tâm đến yếu tố vùng miền, địa chính trị nhưng khi chọn trường đại học trọng điểm ngành, yếu tố được quan tâm hàng đầu là trường nào đang có năng lực, tiềm lực mạnh nhất ở lĩnh vực, ngành đó.
"Nếu đưa ra tiêu chuẩn rồi ai đạt được thì công nhận thì đấy không phải quy hoạch", ông Sơn nói.
Cách đây vài ngày, tại hội thảo tương tự ở Hà Nội, ông Sơn nói nguồn lực đầu tư của nhà nước có hạn. Có trường thành tích rất tốt nhưng cần xem đó có phải là lĩnh vực trọng điểm mà nhà nước phải đầu tư hay không. Nguyên tắc chọn là những lĩnh vực, ngành then chốt, bám sát những nghị quyết của Đảng, ưu tiên các trường sư phạm, y dược, khoa học công nghệ, pháp luật...
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh không phải chỉ những trường nằm trong danh sách trọng điểm mới được đầu tư. 30 trường trọng điểm quốc gia là những trường được đầu tư tập trung, mang tầm quốc gia. Còn lại, mỗi bộ ngành, địa phương vẫn có những kế hoạch đầu tư, phát triển riêng với các trường.
Theo ông Sơn, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm là một bài toán khó. Bộ quy hoạch dựa trên hệ thống sẵn có, đảm bảo sự xáo trộn ít nhất nhưng đem lại hiệu quả cao nhất.
"Lời giải cuối cùng của bản quy hoạch này chỉ có thể gọi là tối ưu, chứ không thể là tốt nhất, không thể đáp ứng được mọi mục tiêu, mong đợi của các bên liên quan", Thứ trưởng nói.
Việt Nam từng quy hoạch mạng lưới đại học vào năm 2013. Một số mục tiêu đến năm 2020 là cả nước có 460 cơ sở giáo dục đại học (224 trường đại học, 236 trường cao đẳng), với 2,2 triệu sinh viên. Ngoài ra, một cơ sở đào tạo lọt top 200 thế giới, khoảng 3% tổng số sinh viên là người nước ngoài.
Hiện, cả nước có khoảng 650 cơ sở giáo dục đại học (gồm 244 đại học, trường đại học, còn lại là cao đẳng) với 2,1 triệu sinh viên. Trong đó, 4 trường lọt top 1.000 của hai bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới là THE và QS, thứ hạng cao nhất là 514. Số sinh viên quốc tế ở Việt Nam khoảng 45.000, chiếm hơn 2% tổng số sinh viên.
Mục tiêu của việc quy hoạch mạng lưới đại học đến 2030, tầm nhìn tới 2050 là củng cố, phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại và mạch lạc, tạo một hệ thống mở, công bằng, chất lượng với quy mô và cơ cấu hợp lý. Về lâu dài, quy hoạch này sẽ giúp Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực.
Lệ Nguyễn