Sân trường vắng tanh là tình trạng chung của THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia), THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Nguyễn Gia Thiều. Còn THPT Phan Đình Phùng vẫn có một số phòng sáng đèn nhưng là của lớp học thêm.
18h, THPT Đống Đa cũng đóng cửa, chỉ còn xe của một số lớp học thêm. Anh Lán, bảo vệ trường cho biết, các em đã tan học lúc 17h do thứ tư hàng tuần trường có cuộc họp. "Ngày mai chắc chắn 19h tối học sinh mới được ra khỏi trường", anh khẳng định.
![]() |
THPT Yên Hòa vẫn nhộn nhịp cảnh dạy và học khi trời tối. Ảnh: Lê Hiếu. |
Tuy nhiên, vẫn có trường thực hiện đúng quy định tan học sau 19h, như Yên Hòa, Kim Liên. Tại THPT Yên Hòa, đến 18h các phòng học đều sáng đèn. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Anh cho biết, dù ngày đầu tiên đổi giờ song trường thực hiện nghiêm túc. Bình thường thứ tư học sinh chỉ học 2 tiết rồi nghỉ để thầy cô các tổ giao ban, hôm nay thầy cô họp sớm, còn các em học 2 tiết cuối.
Để đảm bảo việc dạy và học diễn ra bình thường, cách đây vài ngày, Ban giám hiệu trường đã thuê người lắp đặt điện ở khu vực ngoài lớp học. Hiện bóng điện đã được lắp đặt ở nhà xe, hành lang lớp học và tiếp tục lắp ở sân trường, nhà vệ sinh trong ngày mai. Trường cũng mua máy phát điện đề phòng đang học bị cắt điện.
"Chúng tôi sẽ đề nghị quận lắp đặt điện cao áp ở ngoài cổng trường và trên đường vào trường để các em đi lại được an toàn. Nếu để trường tự lo thì không đủ kinh phí", cô Thúy Anh chia sẻ.
Vị hiệu trưởng cho hay, trước đây ca chiều bắt đầu từ 13h nhưng nay lùi xuống 15h và kết thúc vào 19h15. Thời gian đầu, cả học sinh và giáo viên đều phải cố gắng, nhà trường cũng sẽ thay đổi thời khoá biểu các môn học cho hợp lý, đồng thời tư vấn lịch sinh hoạt cho học sinh, đặc biệt là ca chiều.
Khi tiếng trống báo tan học vang lên lúc 19h, học sinh các lớp của trường Yên Hòa ồ lên vui sướng. Em Nguyễn Mai Anh (lớp 10D2) cho biết, ngày đầu tiên học đến 19h em không cảm thấy mệt vì chỉ có 2 tiết. Tuy nhiên, việc kết thúc học ở trường quá muộn sẽ ảnh hưởng nhiều đến giờ học ở nhà và lớp học thêm. Những bạn nhà xa về cũng không an toàn.
Còn Đỗ Trường Thông (lớp 10A4) cho rằng lịch học mới có nhiều bất tiện và Thông cần thời gian để làm quen. "Thời gian sống về đêm của chúng em sẽ nhiều hơn bởi đạp xe về nhà, tắm rửa, ăn cơm xong cũng đã hơn 21h. Sau đó bọn em còn phải làm bài tập về nhà các môn để sáng hôm sau còn đi học thêm. Đó là chưa kể có hôm em phải học thêm buổi tối", Thông chia sẻ.
Nam sinh lớp 10 buồn bã cho hay, học những tiết cuối ở thời điểm chiều vắt sang tối khiến cậu cảm thấy mệt mỏi và khó tiếp thu. Ngoài ra, việc tập thể dục thể thao buổi chiều tối cũng không thể duy trì.
![]() |
Học sinh ngày đầu tan học vào lúc 7h tối. Ảnh: Lê Hiếu. |
Theo chị Lan (Hoàng Hoa Thám) có con học lớp 11A1 (THPT Yên Hòa), thường ngày chị đón con về nhà ăn cơm rồi đưa cháu đến lớp học thêm. Tuy nhiên, hôm nay tan học muộn nên con chị phải đến lớp học thêm ngay và ăn tạm đồ chị mua sẵn trên đường đi.
"Vẫn biết quy định thì phải tuân theo, nhưng thế này thì vất vả quá. Giờ đến lớp học thêm cháu đã chậm một tiếng rồi", chị Lan than thở.Cũng đứng đón con tại cổng THPT Yên Hòa, chị Nguyễn Thị Huệ (phố Láng Hạ) chia sẻ: "Học về muộn thế này tôi chỉ sợ con đói. Tôi còn một cháu đang đi học nữa nên việc thay đổi giờ đã khiến công việc bị đảo lộn hết".
Một giáo viên dạy Toán của trường cũng chia sẻ, việc đổi giờ học là bất hợp lý bởi 18-19h là thời gian học sinh đáng lẽ phải nghỉ ngơi, học sẽ không hiệu quả. Phần lớn giáo viên của trường có con nhỏ nên việc bố trí người đưa đón con rất khó khăn.
Tuân thủ giờ quy định, đúng 19h bảo vệ THPT Kim Liên mới mở cửa cho học sinh dắt xe ra. Một học sinh cho biết, một số lớp hôm nay học chỉ 5 tiết nên đã về sớm lúc 18h tối. Các lớp còn lại do học 6 tiết nên phải 19h tối mới được về.
Theo lớp trưởng 10A12 Thái Thùy Dương, nhiều lớp đã đổi thời khóa biểu chuyển giờ Thể dục sang tiết cuối trong ngày để cho đỡ mệt mỏi lúc trời tối. Dù về muộn nhưng các học sinh này vẫn vui vẻ cười đùa. Nhiều em còn tranh thủ lán lại quán hàng cạnh trường để lót dạ xúc xích, bánh mỳ.
Do tan học muộn nên Lê Thu Trang (THPT Phạm Hồng Thái) được bố mẹ cho đi xe máy tới trường, thay vì đi xe đạp như thường ngày. "Hàng ngày em đi xe đạp nhưng hôm nay tan học muộn nen bố mẹ cho em đi xe máy vì không có thời gian đến đón và nhà lại ở xa trường", Trang giải thích.
Nhóm phóng viên