Tại hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia được tổ chức sáng 27/3, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, qua báo cáo khảo sát thăm dò, có vài trường ở Hà Nội 100% học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp.
"Tâm lý của học sinh là thi tại cụm địa phương do Sở Giáo dục chủ trì sẽ dễ hơn ở cụm thi do trường đại học chủ trì. Tuy nhiên, thầy cô cần tuyên truyền cho các em hiểu rõ là dù thi tại đâu thì cũng cùng đề, cách thức tổ chức hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng sẽ cử người về giám sát tại cụm thi do Sở chủ trì", ông Chất cho hay.
Trưởng phòng Quản lý thi thông tin, đối với Hà Nội, những học sinh chỉ đăng ký dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp nhưng ở gần cụm thi quốc gia do trường đại học chủ trì thì vẫn được gửi vào cụm thi quốc gia để tránh lãng phí. Chỉ những trường ở quá xa điểm thi do trường đại học chủ trì thì Sở mới xin ý kiến Ủy ban nhân dân để thành lập cụm thi liên trường.
Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định, mục đích của việc thành lập cụm thi tại Sở là để học sinh đỡ phải đi lại vất vả. Hà Nội có lợi thế là có 8 cụm thi quốc gia do các trường đại học chủ trì, vì vậy ở những khu vực có điểm thi của các trường đại học thì những em chỉ xét tốt nghiệp sẽ được gửi vào để đảm bảo tính khách quan.
"Nếu thành lập một điểm thi của Sở bên cạnh điểm thi của trường đại học sẽ rất lãng phí", ông Độ nói.
Tại hội nghị, nhiều câu hỏi của đại diện các phòng giáo dục và trường THPT cũng đã được giải đáp. Như băn khoăn của một hiệu trưởng về việc học sinh không học Ngoại ngữ có được đăng ký dự thi tốt nghiệp môn này hay không? Lãnh đạo phòng khảo thí cho biết học sinh không học ngoại ngữ nhưng có điều kiện đều có thể đăng ký dự thi, học ngoại ngữ này mà muốn thi môn ngoại ngữ khác cũng được chấp nhận.
Ông Trần Đăng Nghĩa, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học nhắc nhở đại diện các nhà trường chú ý nội dung ôn tập cho học sinh, đảm bảo tăng cường vận dụng thực hành, tạo điều kiện cho các em bày tỏ chính kiến như ma trận đề thi của Bộ.
"Việc ôn luyện phải chia theo nhóm, phân theo năng lực, môn học. Giáo viên phải phụ đạo cho học sinh yếu kém nhưng tuyệt đối không được thu tiền và tuyệt đối không được cắt xén nội dung chương trình", ông Nghĩa thông tin.
Hoàng Thùy