Tại Bệnh viện nhi đồng 2 TP HCM, sau khi xử lý vết thương ngoại khoa, bác sĩ tâm lý đã khám để tìm nguyên nhân tự tử của Phụng. Cha mẹ chia tay khi em mới 10 tháng tuổi. Mẹ để em lại cho bà ngoại nuôi rồi bỏ đi đâu không ai biết cho đến khi bị bắt tập trung cai nghiện. Phụng không ghét mẹ nhưng luôn có cảm giác thù hận cha, người mà từ bé đến giờ em chưa hề gặp mặt. Em rất thương bà và cũng được bà ngoại rất cưng chiều, không phải làm bất cứ việc gì, được đi học đàng hoàng. Bản thân em là người vui vẻ, hoạt bát, có rất nhiều bạn thân cả trai lẫn gái, lại rất thích võ thuật. Đây là lần đầu tiên Phụng bị bà mắng. Em không cãi lại, chỉ ngồi khóc và hành động nông nổi như trên.
Khi hồi phục, Phụng có thái độ rất thản nhiên, không hề tỏ ra ân hận vì đã tự tử. Em nghĩ rằng nên chết đi để khỏi làm phiền bà, không muốn là gánh nặng của bà và của bất kỳ ai.
Bác sĩ Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý trẻ em Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, những trường hợp trẻ vị thành niên tự tử vì lý do hết sức nhỏ nhặt như em Phụng đang ngày càng tăng. Theo nghiên cứu của bác sĩ Thủy về những yếu tố dẫn đến tự tử ở trẻ em, trẻ dậy thì có nhiều thay đổi về nội tiết, thể chất và trí não nên tâm lý có rất nhiều biến động. Trẻ có thể nghĩ đến việc chết chỉ để giải quyết những ấm ức buồn chán, để kết thúc xung đột bản thân và đôi khi chỉ để thách thức người lớn.
Không tính những trường hợp trẻ em tự tử do trầm cảm, bị tử vong thì trong 2 năm 2003-2004, tại Bệnh viện nhi đồng 2 đã có 26 ca trẻ tự tử được cứu sống, trong đó 20 là nữ. Giải thích điều này, bác sĩ Thủy cho rằng đó là do các em nữ nhạy cảm, dễ bị tổn thương hơn các em nam. Những trẻ này đều biết thương yêu gia đình, được học hành và có tâm sinh lý bình thường, có trách nhiệm với bản thân. Nguyên do dẫn đến hành vi tự tử là các em gánh quá nhiều hy vọng phụ huynh như phải hơn bạn bè trong học tập, trở thành những tài năng nghệ thuật... Bên cạnh đó, trẻ còn có nhiều mối quan hệ bất ổn chốn học đường như với thầy cô, bạn bè... Những áp lực ấy bị dồn nén quá lâu sẽ tạo thành xung đột bản thân.
Một số em từ nhỏ được chăm sóc quá kỹ về thể chất nhưng đôi khi lại được giáo dục lệch lạc về tinh thần. Khi trẻ cảm thấy bản thân không đáp ứng được những hy vọng của gia đình, không được mọi người hiểu, khi bị mắng nặng lời, các em cảm thấy mình vô dụng, là gánh nặng cho người khác và muốn giải thoát bằng cách tự tử.
Theo các chuyên gia tâm lý, lứa tuổi học đường là đối tượng cần được chăm sóc nhiều nhất về tâm lý. Giai đoạn này, trẻ tuy đã khá phát triển về mặt thể xác, giới tính nhưng còn chưa chín muồi về mặt cảm xúc, chưa có kinh nghiệm ứng xử nên thường hụt hẫng khi gặp biến cố trong cuộc sống. Tâm lý trẻ rất dễ bị kích động trước những những cú sốc đầu tiên.
Trường học là nơi có điều kiện để điều chỉnh các suy nghĩ sai lầm của trẻ vị thành niên tốt nhất. Có thể tổ chức cho học sinh đến làm quen và giao lưu với những trẻ bất hạnh, nhà tình thương để các em hiểu rằng được khỏe mạnh bình thường, có một mái ấm gia đình đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Nhà trường cũng có thể kết hợp với các bệnh viện, giúp các em chứng kiến cảnh những bệnh nhân tự tử được cứu sống để cảm nhận được nỗi đau, nỗi khổ khi gia đình có người thân tự tử. Nên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về vấn đề này ở trường học để các em hiểu những hệ lụy từ hành vi nông nổi này.
Gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển tâm lý của trẻ em, đặc biệt ở giai đoạn dậy thì. Sự quan tâm không đúng phương pháp, luôn áp đặt lên trẻ, không chú ý đến suy nghĩ độc lập của trẻ dễ dẫn tới hành vi tự tử ở trẻ. Các bậc cha mẹ nên tạo cảm giác gần gũi, an toàn dối với trẻ, tạo điều kiện để trẻ tâm sự với cha mẹ như với một người bạn lớn tuổi. Tuyệt đối không nên xúc phạm trẻ.
Đối với những trẻ đã có hành vi tự tử thì việc chẩn đoán và điều trị về mặt tâm lý sau đó là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ mang lại kết quả khi có sự hợp tác từ phía gia đình. Gia đình không nên nhắc lại hành vi ấy với thái độ trách móc hay tức giận, vì có thể sẽ làm cho trẻ quay lại hành vi sai lầm một lần nữa.
Mỹ Lan
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.