Bác sĩ Hồ Hữu Phúc, Trung tâm Y học Giới tính, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết bệnh nhân là học sinh lớp 10, được mẹ đưa đến kiểm tra về bệnh lý khác là giãn tĩnh mạch tinh. Trong quá trình khám, bác sĩ phát hiện có chảy dịch mủ đầu niệu đạo nên khai thác bệnh sử riêng với bệnh nhân.
Em kể từng quan hệ tình dục không an toàn với một bạn gái, sau đó đi tiểu buốt, dương vật đau và chảy mủ nhưng giấu bệnh, không đi khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy mắc vi khuẩn lậu, bác sĩ Phúc giải thích nguyên nhân và tư vấn cho bệnh nhân về tình dục an toàn. Nam sinh được điều trị bằng kháng sinh liều cao, kiêng quan hệ tình dục cho đến khi khỏi bệnh.
Trường hợp khác là nam, 17 tuổi, quan hệ tình dục đồng giới. Trong một bữa tiệc, em đã quan hệ với nhiều bạn tình cùng lúc, sau đó xuất hiện nốt nhỏ ở vùng niêm mạc quy đầu và ngày một lớn dần, giống "cây súp lơ".
Bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu TP HCM khám, được phát hiện tổn thương là u nhú dạng sùi điển hình do virus HPV gây ra. Đây là virus phổ biến gây bệnh lây truyền qua đường tình dục, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó Trưởng khoa Lâm sàng 3, chỉ định đốt laser, kiêng quan hệ và tái khám đúng hẹn.
Các bệnh viện ghi nhận số lượng trẻ vị thành niên điều trị bệnh tình dục ngày càng tăng. Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, năm 2021 có khoảng 1.000 bệnh nhân dưới 18 tuổi mắc các bệnh lây qua đường tình dục, hai năm sau lên 2.500 ca. Còn theo số liệu công bố tại Hội nghị Da liễu toàn quốc năm 2023, Bệnh viện Da liễu Trung ương mỗi năm điều trị 4.000-5.000 ca bệnh tình dục. Trong đó, gần 30% bệnh nhân tuổi 15-24, với tỷ lệ học sinh tuổi 12-18 chiếm 4,2% và nhóm sinh viên 18-22 tuổi chiếm 22,6%.
Ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, bác sĩ Phan Chí Thành, nói trung bình một tháng khám khoảng 150-200 bệnh nhân tuổi vị thành niên liên quan bệnh tình dục, tăng nhẹ qua từng năm. Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân mỗi tháng, tăng khoảng 10% so với năm ngoái, theo bác sĩ Hà Ngọc Mạnh, Phó giám đốc Bệnh viện.
Nghiên cứu về hành vi sức khỏe học sinh do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện, công bố năm 2023 cho thấy tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi tăng gấp hai lần, từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019. Tuy nhiên, cách giáo dục giới tính và tình dục ở nước ta vẫn gặp nhiều thách thức, nhiều học sinh không biết quan hệ an toàn để bảo vệ bản thân, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh xã hội.
Triệu chứng phổ biến của bệnh là tiểu buốt, chảy dịch vùng niệu đạo ở nam; ra khí hư hôi ở nữ, hoặc một số tổn thương vùng da và niêm mạc ở bộ phận sinh dục. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân đối mặt các bệnh nghiêm trọng hơn như sùi mào gà, lậu, giang mai, nguy cơ vô sinh, biến chứng liên quan thai kỳ và dị tật bẩm sinh cho thai nhi về sau. Các bệnh lý liên quan đến virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể gây tử vong sớm như HIV/AIDS.
Bệnh ảnh hưởng sinh hoạt nói chung và tâm lý của người bệnh. Nhóm thanh thiếu niên có tâm lý chưa vững vàng, dễ bị mặc cảm nên thường giấu bệnh. Ngoài ra, nhóm này thường thiếu kiến thức, dẫn tới phát hiện và điều trị muộn, trở thành nguồn lây cho cộng đồng, theo bác sĩ Thơ.
Các chuyên gia cho rằng phổ biến kiến thức về giới tính và tình dục là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn bệnh tình dục. Theo đó, khi trẻ còn nhỏ, thậm chí chỉ vài tháng tuổi, cha mẹ nên bắt đầu dạy giới tính cho con bằng cách chăm sóc, nâng niu cơ thể, giúp con biết trân trọng bản thân. Khi con lớn dần, phụ huynh dạy cách vệ sinh, biết mặc quần áo để che cơ thể, hiểu sinh lý tuổi dậy thì, quan hệ tình dục an toàn... Giáo dục giới tính trong trường học sẽ tiếp nối khi trẻ đã có kiến thức cơ bản từ gia đình. Trẻ biết chia sẻ với bố mẹ, đến các cơ sở y tế khám kịp thời khi có triệu chứng bệnh.
Người bệnh nên báo cho bạn tình để họ kịp thời kiểm tra và điều trị nếu cần. Nên trang bị kiến thức phòng ngừa, dấu hiệu bệnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần.
Thúy Quỳnh - Mỹ Ý