"Giờ cháu sợ lắm, bác ấy đòi hỏi liên tục, cháu không biết phải làm gì. Cháu cũng chẳng thể nói với bố mẹ", cậu bé lớp 10 cầu cứu Đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em của Cục bảo vệ - chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Tiến kể rằng, mấy tháng gần đây, cuộc sống của em xáo trộn từ khi gia đình thuê giúp việc mới. "Nhiều buổi cháu ở nhà thì bác ấy toàn mặc đồ mát mẻ rồi có khi đi tắm hay thay đồ mà vẫn mở cửa. Bác còn rủ cháu xem phim đen và bắt chước... Ban đầu, cháu cũng tò mò làm theo nhưng gần đây, cháu thấy ghê sợ mà không biết làm thế nào. Cháu toàn phải kiếm cớ ra ngoài vào ban ngày nhưng buổi đêm thì không thể không ở nhà, mà bác ấy tìm vào tận phòng", Tiến chia sẻ.
Clip cảnh báo nạn lạm dụng tình dục trẻ em
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, cố vấn đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em 18001567, cho biết, đường dây từng tiếp nhận tư vấn cho không ít trẻ nam bị xâm hại tình dục. Nhiều em thổ lộ rằng không dám nhờ trợ giúp của bố mẹ hay người lớn khác, có em còn phải nói lái là nhờ tư vấn "giùm bạn".
Theo bà Kim Quý, các bé trai có thể rơi vào bẫy của nhiều đối tượng như: Người đồng tính lệch lạc về tình dục, những phụ nữ lớn tuổi có nhu cầu tình dục cao mà không được đáp ứng, những kẻ ấu dâm... Ngoài việc bị ép buộc ngay lập tức như bé gái, các bé trai còn hay bị "yêu râu xanh" dụ dỗ qua nhiều bước rồi kích động, khơi dậy bản năng tình dục để các em có vẻ như tự nguyện thực hiện các hành vi tình dục.
Ngoài ra, văn hoá người Việt coi trọng trinh tiết với phái nữ nên thường cho rằng bị xâm hại tình dục ảnh hưởng nặng nề với các bé gái, còn các bé trai thì "không có gì để mất". Nhưng thực tế, sau khi bị xâm hại, các bé trai cũng bị tổn thương tâm lý, hoảng loạn trầm trọng không khác gì các bé gái. Việc này cũng có thể khiến các em gặp nhiều khó khăn và ám ảnh trong cuộc sống chăn gối khi trưởng thành.
Một nghiên cứu năm 2006 trên gần 3.000 học sinh (13-18 tuổi) tại quận Đống Đa, Hà Nội và huyện Chí Linh, Hải Dương cho thấy, có đến 20% số nam sinh cho biết từng bị xâm hại tình dục, trong khi đó tỷ lệ này ở nữ là 18%.
Còn theo số liệu thống kê mới nhất công bố ngày 29/3 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức, thì trong 5 năm (2011-2015), có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục nam gia tăng.
Theo ông Lê Quang Nguyên, cán bộ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save The Children) tại Việt Nam cho biết, thực tế, tại Việt Nam hiện nay mới chỉ có một số thống kê riêng lẻ chứ chưa có bất cứ nghiên cứu, báo cáo đầy đủ nào về tình trạng xâm hại tình dục ở bé trai. Cả xã hội lẫn không ít phụ huynh vẫn chưa coi đó là một nguy cơ thực sự, kéo theo việc bảo vệ các bé trai chưa được quan tâm. Nhiều người còn đặt câu hỏi "con trai làm sao mà bị xâm hại" và khi không tin, không hiểu biết thì họ không lường trước được nguy cơ và tìm cách phòng tránh cho con.
Ông Nguyên cho biết, ở một số quốc gia châu Âu và Mỹ, có rất nhiều báo cáo, nghiên cứu về tình trạng trẻ trai bị xâm hại. Theo đó, cứ 6 (hoặc 5) bé trai thì có một em gặp tình huống này. Khái niệm xâm hại tình dục ở các quốc gia đó được ghi trong luật cũng rất rõ ràng: Ngoài các hành vi xâm nhập trong, những hành vi không liên quan tới vuốt ve đụng chạm như cho trẻ xem hình ảnh khiêu dâm, dùng lời nói để kích dục, cho trẻ nhìn mình khỏa thân... cũng được coi là xâm hại tình dục.
Cán bộ Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho rằng, việc nhiều kẻ xấu bị bắt giữ thời gian gần đây vì xâm hại tình dục các bé trai sẽ là hồi chuông để cảnh tỉnh bố mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ con cái mình, không chỉ riêng với các bé gái.
Các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cần dạy cả con trai lẫn con gái cách tự bảo vệ cơ thể và phòng chống bị xâm hại tình dục qua những điều như:
- Hãy dạy bé về các bộ phận cơ thể của mình, biết trân trọng bản thân, không cho phép bất cứ ai đụng chạm vào vùng kín của mình, trừ khi bố mẹ vệ sinh hay đi khám bác sĩ. Những người trong gia đình cũng tuyệt đối không trêu đùa trẻ bằng cách đụng chạm vào vùng kín của con hay chụp ảnh, đùa cợt về bộ phận cơ thể này của bé. Các bé trai rất hay là "nạn nhân" của tình huống này.
- Luôn tôn trọng ý kiến của trẻ và dạy con tin vào trực giác của mình: Hãy cho phép bé nói "không" với những gì mình không thích trong gia đình và hướng dẫn con rằng với bất cứ ai, kể cả người lạ hay quen, khi tiếp xúc mà con cảm thấy không an toàn, khó chịu thì hãy tránh xa và sau đó kể lại cho bố mẹ biết.
- Bố mẹ hãy luôn quan tâm, dành thời gian trò chuyện, lắng nghe, tạo sự tin cậy, gần gũi để con cởi mở chia sẻ mọi điều. Hãy cho trẻ biết việc giữ bí mật với những người lớn khác mà không kể với bố mẹ là rất nguy hiểm. Cha mẹ cũng cần tìm hiểu kiến thức về giới tính, tâm sinh lý của trẻ theo từng độ tuổi để truyền đạt cho con. Trẻ không cần bị hù dọa mà cần thông tin đúng để hiểu về bản thân và biết tự bảo vệ mình.
Vương Linh