Ngày 29/8, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết số ca sốt xuất huyết và số ca nặng tăng gần đây, do các tỉnh miền Nam vào mùa mưa - là điều kiện thuận lợi cho muỗi và loăng quăng gây bệnh phát triển. Tháng trước ghi nhận dưới 20 ca, không có nặng.
Nhiều phụ huynh nhầm tưởng trẻ sốt do tay chân miệng hoặc cảm cúm, không theo dõi kỹ, dẫn đến trẻ bệnh nặng và nhập viện trễ, theo bác sĩ Tiến.
Trong các ca nặng đang có bé gái 8 tháng tuổi, quê Đồng Tháp, nhập viện sau bốn ngày sốt, sốc kéo dài, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận nặng, suy hô hấp phải thở máy. Các bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp kỹ thuật cao, lọc máu liên tục ba đợt, giúp bé qua nguy kịch.
Bé khác, 6 tháng tuổi, ở Hóc Môn (TP HCM), sau khi ngưng sốt thì chuyển nặng, vào viện trong tình trạng mạch và huyết áp khó đo, tiểu cầu giảm khoảng chục lần so với bình thường. Các bác sĩ phải điều trị tích cực hơn 5 tuần, tình trạng bé mới cải thiện, cai được máy thở.
Một số bệnh nhi thừa cân béo phì, vào viện ngày thứ 5 sốt xuất huyết. Chẳng hạn, bé gái 11 tuổi ở Long An, nặng 54 kg (bình thường tuổi này nặng khoảng 30-34 kg), sốc sau 5 ngày mắc bệnh, suy hô hấp phải thở máy, rối loạn đông máu, tổn thương gan... Hoặc, bé trai 10 tuổi quê Bình Phước, nặng 52 kg (bình thường tuổi này khoảng 28-32 kg), bác sĩ phải dùng đến các biện pháp kỹ thuật cao để cứu sống.
Theo bác sĩ Tiến, bệnh có thể tấn công trẻ nhũ nhi, một số trường hợp biểu hiện không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục lại kèm ho sổ mũi hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói... Những triệu chứng này dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng, dễ bị bỏ sót không theo dõi sốt xuất huyết. Trẻ không biết nói hoặc không biết diễn tả triệu chứng nên phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng.
Các nghiên cứu cho thấy trẻ thừa cân, béo phì bị sốc sốt xuất huyết có nguy cơ suy hô hấp sớm. Bác sĩ quyết định lượng dịch truyền điều trị cho trẻ gặp nhiều khó khăn vì phải hiệu chỉnh phù hợp cân nặng của trẻ, tránh truyền quá liều, dẫn đến sốc kéo dài, biến chứng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ sốt 2-3 ngày trở lên có thể do sốt xuất huyết, cần đưa đến viện khám và điều trị. Dấu hiệu nặng là sốt trên hai ngày, quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, lơ mơ; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, đỏ; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.
"Giai đoạn hết sốt, vào khoảng ngày 4-5 khởi phát bệnh, là thời điểm nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết", bác sĩ Tiến khuyến cáo. Khoảng 10-20% bệnh nhân hết sốt nhưng mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn thì chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi tiêu ra máu, tay chân lạnh. Đây là triệu chứng của sốc sốt xuất huyết. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong.
TP HCM ghi nhận gần 8.300 ca sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn 53% cùng kỳ năm ngoái, song số ca tăng nhanh gần đây. Trong bối cảnh ca tay chân miệng đang tăng nhanh, giới chức y tế lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch. Các gia đình được khuyến cáo diệt muỗi, loăng quăng, ngủ trong mùng cả vào ban ngày để phòng bệnh.
Lê Phương