Thông tin được ông Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tại chương trình "Thắp sáng xanh lam" hưởng ứng Ngày Phòng chống bệnh Đái tháo đường Thế giới 2023, tối 11/11.
Đái tháo đường là tình trạng đường máu tăng cao. Đường máu lúc đói trên 7 mmol/l và sau ăn trên 11 mmol/l. Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin, chủ yếu gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng insulin thì mới có cơ hội sống.
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết Việt Nam có khoảng 7 triệu người đái tháo đường. Type 1 chiếm khoảng 5-7% số người bệnh đái tháo đường nói chung, trong đó 95% là do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus coxsackie, rubella, cytomegalo... Một số em bé có chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng liên quan việc khởi phát bệnh.
Bệnh không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền, tuy nhiên nguy cơ mắc đái tháo đường type 1 cao hơn nếu người thân như cha mẹ, anh chị em bị bệnh này. Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
Khi bệnh đái tháo đường tiến triển, lượng đường huyết thường tăng gấp 5-10 lần. Lượng glucose dư thừa tràn vào trong nước tiểu, làm gia tăng lượng nước tiểu và gây mất nước. Cảm giác khát nước tăng lên do cơ thể cố gắng cân bằng lượng nước.
Người bệnh có thể sụt cân vài tuần đến vài tháng sau khi mắc bệnh. Hai biểu hiện khá phổ biến là trẻ mệt nhiều và thay đổi cảm xúc do cơ thể không được khỏe. Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh là khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm ở trẻ chưa bị trước đây.
Theo thời gian, các biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng các cơ quan chính trong cơ thể, bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận.
Để điều trị đái tháo đường type 1, người bệnh bắt buộc sử dụng insulin, điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp, hoạt động thể lực vừa phải. Ở trẻ em, ngoài kiểm soát đường huyết, phải đảm bảo mục tiêu về tăng trưởng và phát triển bình thường. Theo dõi đường huyết tối thiểu 4 lần/ngày để điều chỉnh liều lượng insulin dựa theo đường máu. Thay đổi luân phiên vị trí tiêm insulin cũng như vị trí thử đường huyết để có kết quả tốt nhất.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một thập niên trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca một năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, theo ông Điển. Trong 1.000 ca bệnh viện đang điều trị, chỉ có khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận.
"Mặc dù bảo hiện y tế hiện chi trả thuốc và vật tư nhưng các bé vẫn phải di chuyển quãng đường xa, ảnh hưởng đến học tập, tạo gánh nặng cho gia đình", ông Điển nói.
Trước gánh nặng này, bệnh viện đang triển khai chương trình chăm sóc bệnh Đái tháo đường trên trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam (CDiC). Đây là chương trình hợp tác được khởi xướng bởi Novo Nordisk với sự tham gia của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), Quỹ đái tháo đường thế giới (WDF). Theo đó, bệnh viện cung cấp miễn phí sinh phẩm, thiết bị để trẻ kiểm soát đường huyết ngay tại nhà. Từ tháng 4 đến nay, đã có khoảng 400 cháu được hỗ trợ theo dõi và kiểm soát đường huyết ở nhà.
Ngoài can thiệp, trẻ cũng cần phải đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng, như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein. Hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Thường xuyên hoạt động thể chất.
Lê Nga