Những ngày qua, chính quyền thị xã Sa Pa tổ chức xe lưu động từ sáng sớm đến đêm khuya, phát loa kêu gọi khách du lịch không mua hàng của trẻ em. Tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra. Đêm 9/11, sương dày đặc, mưa phùn ở khu vực Nhà thờ Đá. Hàng trăm du khách khoác lên mình những chiếc áo dày cộp, đội mũ, quàng khăn kín mít dạo chơi. Mỗi lượt khách đi qua, lại có một nhóm trẻ em theo sau mời mua hàng.
"Mua cho cháu, mua đi, mua đi mà!", một bé gái khoảng 5 tuổi địu em sau lưng, giơ bàn tay nhỏ cứng đờ, với mấy chiếc túi thơm lên, nài nỉ các du khách. Cô bé mặt đỏ ửng rộp nẻ, khoác chiếc áo gió mỏng cáu bẩn, phủ bên ngoài mảnh nylon. Bên cạnh, một bé gái khoảng 3 tuổi chạy vòng quanh kéo áo mọi người. Mỗi chiếc túi thơm, con giống nhồi bông loại nhỏ được các cháu bán với giá 10.000 đồng.
Cách đó chừng 20 m, nhóm phụ nữ ngồi bên đống lửa khâu vá. Lúc vắng khách, các em nhỏ chạy lại đó sưởi ấm. Khi du khách hỏi thăm về các cháu, những người phụ nữ này chỉ lắc đầu.
Anh Nguyễn Bình Ca, 38 tuổi ở Hà Nội, rút ví mua hàng và chia sẻ "trời rét như này người lớn còn không chịu nổi, nhìn các cháu rất đáng thương, tôi muốn giúp đỡ chút ít". Ngay lập tức, 3-4 cháu nhỏ khác vây kín quanh anh kéo áo mời chào.
Lúc này xe của Đội kiểm tra trật tự đô thị (UBND phường Sa Pa) đi tới. Ông Trần Đình Thơ, tổ trưởng tuyên truyền, phát loa: "Đề nghị du khách không mua hàng của trẻ nhỏ, để tránh các cháu tiếp tục bị lợi dụng".
Đến khi nam du khách cất ví, ông Thơ tiếp tục kêu gọi: "Không mua hàng của các cháu là chúng ta đã góp phần bảo vệ quyền trẻ em".
Năm tháng trước, Ban chỉ đạo giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám khách thị xã Sa Pa được thành lập với 45 người. Ban chia thành hai đội kêu gọi du khách bằng xe lưu động và trực tiếp vận động các phụ huynh.
Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch thị xã Sa Pa, cho hay tình trạng trên đã diễn ra từ 10 năm nay, lúc đông nhất lên tới gần 500 trẻ. Chính quyền địa phương kiên trì triển khai nhiều giải pháp và hiện đã giảm bớt, "nhưng vẫn còn 50 người lớn, cùng gần 100 trẻ thường xuyên tụ tập trung tâm thị xã chèo kéo, đeo bám và xin tiền du khách".
"Chúng tôi đã tiếp xúc để lắng nghe nguyện vọng của bà con. Thực tế, một số người dân không có việc làm, thu nhập thấp nên bỏ ruộng nương. Nhưng nhiều trường hợp do thấy bán hàng cao cho thu nhập cao hơn họ đưa con mình đi làm", ông Quốc nói và cho hay những người này đều ở các xã ven trung tâm như Hoàng Liên, Mường Hoa, Tả Van, Tả Phìn.
Trước mắt, theo nguyện vọng của phụ huynh, chính quyền thị xã Sa Pa đã sắp xếp điểm bán hàng cho 63 người; hỗ trợ học nghề dịch vụ du lịch lịch và cho vay vốn phát triển nông nghiệp với hơn 150 người.
"Muốn chấm dứt hoàn toàn việc trẻ em bán hàng rong thì phải tạo ra được sinh kế ổn định cho bố mẹ các cháu", ông Quốc nói và cho hay chủ trương của chính quyền địa phương là định hướng phát triển mạnh hơn du lịch cộng đồng, nghề truyền thống để người dân tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ.
"Đồng bào địa phương sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển chung thị xã, để không nhóm nào bị bỏ lại phía sau", ông Quốc nói thêm.
Trung bình mỗi năm, thị xã Sa Pa đón hơn 3 triệu du khách, riêng đợt nghỉ Tết dương lịch đón 65.000 người.
Tất Định