Cả buồng bệnh có 4 trẻ nằm thì 2 bé bị bỏng liên quan đến tắm nước nóng, còn lại do phích nước sôi và canh nóng.
Chăm con tại khoa Bỏng trẻ em, thi thoảng chị Dỉnh, ở Mèo Vạc, Hà Giang lại nựng "Mẹ đây, mẹ đây" khi cô con gái 3 tuổi cựa mình kêu đau. Tai nạn xảy ra tuần trước, khi đó chị đưa con vào buồng chuẩn bị tắm.
Vừa đổ phích nước nóng ra chậu, chưa kịp đổ nước lạnh quay đi quay lại chị đã thấy con ngã chống hai tay vào chậu, khóc thét lên. Thấy vậy chị liền ngâm tay cháu vào nước sạch, nhưng sợ con bị lạnh nên chỉ dám ngâm 1-2 phút.
"Sau đó tôi vội vàng cởi quần áo cho cháu không ngờ làm trợt cả da ở tay. Lúc đấy quýnh quá, thương con không kịp suy nghĩ gì cả. Vì thế, cánh tay phải con bị nặng nhất. Bình thường tôi vẫn đổ nước lạnh trước, hôm đấy không hiểu thế nào mà lại đổ nước nóng trước mới dẫn đến cơ sự này", chị Dinh buồn bã kể lại.
Nằm cạnh giường hai mẹ con chị Dỉnh là chị Cúc và cô con gái mới 14 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc bị bỏng ở ngực, tay phải do nước canh nóng.
"Hôm đó, nhà có việc, tôi đã để bát canh vừa nấu xong lên trên bàn cao rồi quay đi làm việc khác. Đến lúc nghe tiếng khóc thét của cháu, tôi vội chạy vào thì thấy bát canh bị đổ bắn vào cằm chảy xuống cổ, tay khiến cháu bị bỏng", chị Cúc kể lại.
Thạc sĩ Nguyễn Băng Tâm, Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia cho biết, trong thời gian qua, trẻ bị bỏng chủ yếu dưới 3 tuổi, nguyên nhân đa phần do bỏng nước sôi. Rất nhiều trường hợp là do sơ suất, bất cẩn của người lớn. Có người pha nước tắm cho con thì lại đổ nước nóng trước, chưa kịp đổ nước lạnh thì trẻ đã ngã vào. Có gia đình lại để phích nước sôi ở dưới đất, trẻ bò với vào nên bị bỏng.
"Bên cạnh đó, thời gian gần đây do thời tiết lạnh, trẻ mặc nhiều quần áo nên khi bị bỏng thường bị bỏng sâu. Lý do là vì cha mẹ không kịp cởi bỏ quần áo nên nhiệt giữ lâu trên cơ thể, gây bỏng sâu", thạc sĩ Tâm nói.
Trẻ 2-5 tuổi rất hiếu động, tò mò, chưa ý thức được sự nguy hiểm nên sự an toàn của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và kỹ năng của cha mẹ. Trẻ dễ bị bỏng khi người lớn để những vật dễ gây bỏng như nước sôi, canh nóng, bếp nấu ăn, bàn là nóng... trong tầm với của trẻ hoặc nơi trẻ thường qua lại. Để phòng tránh, cha mẹ cần để những vật này ở những nơi trẻ không sờ hoặc với tới được.
Cũng theo thạc sĩ Tâm, các gia đình nên đậy nước phích nước nóng cẩn thận, để xa tầm với của bé. Nên dùng loại có nắp vặn vì loại có nắp đậy nhiều khi các cháu với tới là nước đã đổ vào người. Khi pha nước tắm thì chú ý pha nước lạnh trước, sau đó cho nước nóng. Đặc biệt là phải luôn có người lớn ở bên cạnh.
Trong những giờ cao điểm chuẩn bị làm bếp thì chú ý có người trông coi các cháu cẩn thận. Nếu không trẻ rất dễ với tay vào bát canh nóng đổ trực tiếp vào người, mặt, gây bỏng rất thương tâm.
Nếu chẳng may trẻ bị bỏng thì cha mẹ phải bình tĩnh, gỡ bỏ quần áo dính nước sôi, ngâm vùng bỏng vào nước mát, tốt nhất là nước 16-20 độ C. Trong trường hợp không có thì dùng nguồn nước mát sạch ở ngay bên cạnh, từ vòi nước. Lưu ý trong thời tiết rét đậm như hiện nay nếu diện tích bỏng rộng, trẻ quá nhỏ thì thời gian ngâm nước mát không quá lâu, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
Việc ngâm nước mát có tác dụng hạ nhiệt độ tại chỗ vết bỏng, đỡ hình thành nốt phỏng, giảm đau đớn cho trẻ. Thời gian ngâm 15-30 phút, khi ngâm xong thì băng ép nhẹ, đưa đến cơ sở y tế. Trong quá trình đó, có thể cho trẻ bù dịch trước bằng nước cam, chanh, muối đường.
Tại vết bỏng khuyến cáo không bôi trứng gà, mẻ, tương, dầu hoả, rất độc. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến bệnh nặng thêm, khó khăn trong điều trị. Chẳng hạn, mẻ là môi trường axít, không có tác dụng chữa bỏng mà tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Không đưa đưa trẻ đến thầy lang, những người không có kinh nghiệm. Có những bé được đắp thuốc đông y nhập viện trong tình trạng bị nhiễm độc, dị ứng.
Ngoài ra, cởi bỏ quần áo trước khi phần bị bỏng sưng lên, chú ý dùng kéo cắt bỏ quần áo cho bé nếu quần áo dính vào vết bỏng. Không được lấy bất cứ vật gì bám trên vết bỏng.
Nam Phương