“Bài con được điểm thế này thôi ạ? Tối nay về không yên với mẹ con rồi thầy ơi”, cô học trò lớp 12, quận Gò Vấp, TP HCM, sụt sùi khi gặng hỏi thầy giáo. Thanh Hà cho biết, em là con gái út trong một gia đình có truyền thống hiếu học, được bố mẹ kỳ vọng sẽ tiếp tục làm rạng danh gia phong bằng thành quả đậu vào một trường đại học lớn của thành phố. Để đáp ứng kỳ vọng ấy, cô bé được hưởng một chế độ đào tạo theo lịch trình lên sẵn.
Hàng tuần, ngoài những giờ học chính khóa và bồi dưỡng do nhà trường tổ chức, về nhà Thanh Hà còn được bổ sung kiến thức với 6 gia sư (Toán, Lý và Hóa). Suốt từ đầu lớp 10 đến nay, lịch biểu hàng ngày của Thanh Hà hầu như chỉ có học. Ngay cả dịp lễ Tết, em cũng phải cặm cụi giải bài tập Toán của giáo viên dạy thêm, mỗi ngày không dưới hai tờ giấy A4.
Dù vậy, học lực của Hà ngày càng yếu dần, bắt đầu từ học kỳ hai lớp 11 cho đến nay. Không có bài kiểm tra nào đạt trên điểm 8. Tình trạng này khiến người mẹ càng tức giận nên yêu cầu gia sư tăng thời gian dạy và bài tập lên gấp rưỡi, với mong muốn kết quả bài làm phải đạt từ 8,5 điểm trở lên.
Đầu học kỳ một năm nay, Thanh Hà có những biểu hiện “không giống ai”. Em hay ngồi đờ đẫn nhìn lên một góc trần, thỉnh thoảng lại lảm nhảm “Không làm đâu, không làm đâu” khi thầy yêu cầu làm các bài tập rèn luyện tại lớp. Cuối cùng cha mẹ phải đưa Hà đến bệnh viện tâm thần TP HCM khám. Bác sĩ kết luận em bị rối loạn tâm thần do học quá tải và yêu cầu phải giảm thời lượng học để tránh bệnh tình nặng hơn.
Giáo viên dạy Toán của Thanh Hà cho biết em là một học sinh thông minh nhưng luôn mất thời gian suy nghĩ các cách giải phức tạp, cao siêu cho những bài toán đơn giản. Vì thế cô bé thường không có đủ thời gian làm trọn vẹn bài kiểm tra. "Em luôn hoài nghi rằng những bài toán rất cơ bản là 'Có bẫy trong đó chứ chẳng lẽ dễ như thế' nên luôn phức tạp hóa vấn đề. Kết quả là điểm số thấp", thầy nhận xét.
Trên trang mạng xã hội của một nhóm giáo viên mấy ngày qua cũng bàn luận về một trường hợp học tập “siêu nhân”. Người đăng status này là một giáo viên kể về trường hợp một cậu bé đang học cấp 3 tại miền Tây. Hàng ngày ngoài giờ học ở trường, về nhà em còn phải bồi dưỡng thêm với 4 gia sư là giáo viên Toán kỳ cựu. Cứ mỗi bài học với một giáo viên là hơn 20 trang bài tập.
Nhồi nhét kiến thức với cường độ khủng như thế, nhưng lực học môn Toán của "siêu nhân" ngày càng sa sút. Giáo viên chủ nhiệm đã gọi điện cho phụ huynh thông báo tình hình. "Hiện nay cậu bé đứng trước nguy cơ bị mẹ bắt phải tăng thêm giờ học thêm Toán với nhiều bài tập hơn để cải thiện kết quả học tập", vị giáo viên trăn trở.
Cô Huỳnh Kim, dạy Toán tại một trường trung học phổ thông ở TP HCM cũng lo ngại về một trường hợp học sinh trong lớp 12 của cô đang có những biểu hiện tâm thần vì phải học quá tải. Ngoài giờ học chính quy, mỗi ngày từ 16h30 đến 22h em phải học thêm 3 ca với giáo viên Toán, Lý, Hóa.
"Em ấy bảo chưa bao giờ được ngủ trước 12h đêm, không phân biệt ngày lễ hay Tết. Tôi rất lo khi thấy em đang có những biểu hiện không bình thường: Vẽ sai hình theo yêu cầu đề bài, hay lẩm bẩm trong miệng không ra tiếng hoặc đứng thu mình vào một góc lớp trong giờ giải lao", cô giáo trẻ ưu tư.
Hiện nay tình trạng học sinh có những gặp trục trặc tâm thần vì học quá tải ngày càng phổ biến, không chỉ ở các thành phố lớn. Theo thống kê của tiến sĩ Ngô Thanh Hồi, giám đốc một bệnh viện tâm thần ở Hà Nội, gần 20% trẻ dưới 16 tuổi gặp vấn đề sức khỏe tâm thần. Năm 2011 Bệnh viện Tâm thần TP HCM tiếp nhận 25.000 lượt trẻ trong độ tuổi đi học đến khám và điều trị. Năm 2012 tăng lên 28.000 ca, năm 2013 hơn 32.000. Đến 2014 con số này tăng liên tục, bình quân mỗi tuần từ 600 đến 700 ca với nhiều biểu hiện tâm thần khác nhau.
Lý giải tình trạng trẻ học càng nhiều kết quả càng tệ, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh ví căn bệnh các em đang gặp phải chính là chứng “táo bón kiến thức” thường gặp khi học thêm quá nhiều. Vì sức ép từ bố mẹ, trẻ phải nhồi nhét kiến thức liên tục mà không có thời gian "tiêu hóa". Việc thọ giáo quá nhiều chiêu thức của các sư phụ cũng khiến các em bị "tẩu hỏa nhập ma", rối trí.
"Do yêu cầu của phụ huynh, các gia sư muốn thể hiện bản thân thường luyện chiêu hơn là dạy kiến thức. Họ chú trọng vào những bài tập nâng cao mà quên dạy cách giải quyết những bài tập cơ bản để nắm vững kiến thức". Theo ông Thịnh, cách dạy như thế hình thành nơi trẻ thói quen đặt câu hỏi “bài toán này thuộc dạng nào” thay vì “những kiến thức đã học nào liên quan đến câu hỏi này”. Từ đó dẫn đến tình trạng không thể giải quyết được vấn đề đặt ra nếu câu hỏi đó không xếp được vào dạng bài đã học tủ.
Để giải quyết vấn nạn trên, theo các thành viên của nhóm Quan tâm giáo dục gồm những giáo chức có học vị, không có cách nào khác ngoài phương án giảm tải việc học. Cần dạy trẻ cách học hiểu thay vì ghi nhớ. Có như vậy mới giúp các em thoát được sức ép, tránh những kết cục đau lòng như trường hợp cách đây vài năm, một học sinh đã bị tâm thần ngay sau khi kết thúc môn thi đại học đầu tiên. Lý do đơn giản là vì 'Câu hỏi đó quen lắm mà không nhớ cách giải. Không làm được câu đó em không sống nổi với sự trách mắng của mẹ'".
Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh