Bác sĩ Kiều Quốc Thanh, quyền điều hành Khoa Điều trị Covid trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 10/3, cho biết bệnh nhi 12 tuổi nhập viện với diện tích bỏng khoảng 20%. Các bác sĩ phải tiêm kháng sinh, cắt lọc vết thương, thay băng bỏng.
Đặc biệt, bộ phận sinh dục bị bỏng ngoài da gây dính, không thể đi tiểu. Ê kíp phải đặt sonde (ống thông) tiểu trong hai tuần. Sau ba tuần điều trị, bé vừa hồi phục xuất viện. May mắn, trẻ không bị ảnh hưởng chức năng sinh dục nhưng vùng kín vẫn còn sẹo bỏng, ảnh hưởng thẩm mỹ.
Theo bác sĩ Thanh, ngoài trường hợp này, khoa đang điều trị bé gái 10 tuổi bỏng nặng do đổ nước xông Covid-19. "Mỗi lần thay băng, các bé đau đớn rất nhiều, phải chích thuốc giảm đau", bác sĩ nói.
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cảnh báo về phương diện y khoa, trẻ nhỏ không được khuyến cáo xông bất kỳ lá hoặc thuốc nào ngoài môi trường y tế. Niêm mạc mũi, niêm mạc đường hô hấp của trẻ rất mỏng, nếu xông trực tiếp vào sẽ làm hại niêm mạc. Xông quá nhiều có thể làm khô niêm mạc mũi và làm giảm khả năng chống virus với Covid-19 cũng như những bệnh về đường hô hấp khác.
"Xông không thể diệt được virus, chỉ là một trong những biện pháp giảm khó thở do ngạt hoặc tắc mũi, không nên lạm dụng", bác sĩ Vũ nhấn mạnh. Các sản phẩm xông không đảm bảo an toàn, chứa hóa chất độc hại khi xông thẳng vào mũi trẻ có thể gây viêm nhiễm, bội nhiễm đường hô hấp.
Tháng trước, bé gái 14 tuổi ở Nghệ An, vướng vào nồi trong lúc xông lá, bị nước sôi đổ vào người bỏng nặng. Mới đây, bé trai 6 tháng tuổi ở Hà Nội được người nhà bế để xông mũi họng không may bị nước sôi đổ vào chân. Người nhà tự sơ cứu bằng cách xả nước lạnh lên chân bé, song khi tháo tất chân không cẩn thận khiến vùng da mu bàn chân trái bị lột, nhiễm trùng máu, phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Lê Phương