Triển lãm trưng bày 50 bức tranh quý, hơn 300 hiện vật gồm đồ gốm đời Lý - Trần, và đồ sứ đời Thanh (Trung Quốc), cùng các đồ sơn thiếp và kỷ vật chiến tranh.
Các bức tranh trong triển lãm đều là những bức quý, hiếm của thế hệ họa sĩ đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương. Các bức tranh thuộc nhiều thể loại sơn dầu, sơn mài, mầu nước, mực nho… đều thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và thiên nhiên tươi đẹp. Có thể thấy trong triển lãm này những bức tranh quý như Dệt cửi (lụa - Nguyễn Văn Tỵ), Tình mẫu tử (sơn mài - Nguyễn Đức Nùng), Đi chợ vùng cao (Nguyễn Đức Nùng), Nuy (Nguyễn Văn Bình), Bạn tôi (chì than - Bùi Xuân Phái), Sau giờ trực chiến (Hoàng Tích Chù), hay nhiều bức tranh quý khác như Bác Hồ trong hang Pác Bó, Bác Hồ bên suối Lê Nin của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn… Các bức tranh trong triển lãm đều nằm trong bộ sưu tập cá nhân của nhà sưu tập Nguyễn Minh.
Một lượng lớn cổ vật gốm sứ được trưng bày trong triển lãm lần này. Người xem có dịp thưởng ngoạn những chiếc chum, thạp gốm men hoa nâu thời Lý - Trần - Lê, đặc biệt là chiêm ngưỡng chiếc bình vôi quý hiếm số một Việt Nam. Đây là chiếc bình vôi lớn, còn nguyên vẹn và có men lục nhẹ lửa. Theo các nhà sưu tầm cổ vật, khó mà tìm thấy chiếc bình vôi thứ hai như thế nữa.
Trong khi đó, các hiện vật thuộc đồ sứ xanh trắng đưa người xem vào thế giới của những chiếc nậm, nai rượu thế kỷ 18. Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Lâm mang tới những hiện vật đặc sắc, quý hiếm, một thời gắn bó với đời sống văn hóa người Việt ở những thế kỷ trước, một phần hiện vật là đồ cung đình, cao cấp dành cho tầng lớp quý tộc của xã hội phong kiến. Phần lớn các hiện vật này đều là đồ sứ xanh trắng đời Thanh được đặt hàng làm riêng và chuyển sang Việt Nam.
Gây ấn tượng tại triển lãm còn là những hiện vật sơn thiếp của nhà sưu tầm Việt Phương. Các đồ sơn thiếp trong triển lãm này đều là những đồ thờ tự, tuy có niên đại chưa lâu, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa truyền thống, giáo dục, văn hóa tâm linh của người Việt. Có thể thấy những bộ sơn thiếp thờ Mẫu, tượng Bồ Tát chuẩn đề, các bức tượng Đức Phật dưới cây bồ đề... cùng các đại tự, câu đối, bàn thờ sơn thiếp. Theo nhà sưu tầm Việt Phương, người phương Tây luôn đánh giá đồ sơn son thiếp vàng là một trong những văn hóa nổi trội nhất của Việt Nam. Anh sưu tầm đồ sơn thiếp còn bởi ý nghĩa giáo dục trong các câu đối, đại tự trên các hiện vật này.
Được các thành viên Câu lạc bộ Những người yêu Cổ ngoạn Hà Nội đứng ra tổ chức, triển lãm mở cửa miễn phí cho mọi người đến thưởng lãm. Và đặc biệt, những hiện vật trưng bày đều thuộc sở hữu của các nhà sưu tầm tư nhân, đây là lần đầu tiên được trưng bày, xuất hiện trước công chúng. Các hiện vật quý này sẽ tiếp tục trưng bày tại 628 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) tới hết ngày 2/5.
Lam Thu