Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm ở Quốc hội ngày 28/10, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc công an Nghệ An) phản ánh tình trạng nhiều tội phạm "chạy án" bằng hình thức giám định tâm thần. Đó là những đối tượng giết người, cướp tài sản, buôn bán ma túy..., khi bị bắt với tội nặng, thậm chí tử hình đã đi giám định tâm thần để mong thoát tội.
![nhieu-toi-pham-chay-an-bang-giam-dinh-tam-than](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/10/28/DB-Nguyen-Huu-Cau-tra-loi-pv-2-6722-7885-1477646527.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rcDni6XkKW5CPpAVs5pd9A)
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An.
Trong khi đó, theo ông Cầu, đang diễn ra tình trạng quá tải ở bệnh viện tâm thần trung ương, công an các địa phương mất nhiều thời gian chờ đợi khi đưa bệnh nhân đi giám định.
"Trước đây chưa có Luật giám định tư pháp thì lực lượng chức năng có thể giám định tâm thần ở các tỉnh, bây giờ phải lên trung ương và gặp khó khăn với tình trạng quá tải", ông Cầu nói.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, cán bộ, chiến sỹ công an đang chịu rất nhiều áp lực. Đầu tiên là áp lực từ đòi hỏi ngày càng cao của nhà nước và nhân dân, tiếp đó là từ vấn đề bồi thường oan sai, "nhiều đồng chí rụt rè sợ oan sai, vì làm 1.000 vụ tốt, chỉ sai một vụ là mất hết thành tích".
Ngoài ra lực lượng công an còn chịu áp lực từ dư luận, báo chí, luật sư, "đại đa số luật sư tốt, nhưng có những luật sư bãy vẽ cho thân chủ cách chống đối". "Chúng tôi cũng chịu áp lực từ thủ đoạn đối phó của tội phạm, không mua chuộc được thì làm đơn nặc danh hạ uy tín của cán bộ, chiến sỹ", ông Cầu nói.
Xin tranh luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đề nghị đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chỉ rõ “địa chỉ” mà vị này nêu là “bày vẽ cho thân chủ cách chống đối”. “Đây là những con sâu làm rầu nồi canh, luật sư nào như vậy đề nghị cung cấp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chúng tôi sẽ kỷ luật họ hình thức cao nhất là xoá tên khỏi liên đoàn”, ông Ngọc Thịnh nói. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng nói thêm, luật sư là nghề tư do, khi cung cấp dịch vụ pháp luật phải chịu trách nhiệm và khi vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì Liên đoàn Luật sư sẽ xử lý.
![nhieu-toi-pham-chay-an-bang-giam-dinh-tam-than-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/10/28/images804441-a-7081-1477647600.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QG9r1h5OQVTsKuHeGg9mHQ)
Đại biểu Nguyễn Thái Học. Ảnh: Q.H
Đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết năm 2016 ghi nhận việc kiềm chế, kéo giảm tội phạm với tỷ lệ cao nhất trong nhiều năm qua, cụ thể là giảm 2,79% số vụ và 6,1% số bị can so với 2015. Tuy nhiên, ông Học chỉ ra một số hạn chế của công tác phòng chống tội phạm, trong đó có những vụ án được Chủ tịch nước yêu cầu, Ban nội chính Trung ương, Uỷ ban Tư pháp đề nghị phải xem xét, kết luận, song thời gian vẫn kéo dài, không kết luận rõ ràng.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa bày tỏ lo ngại tình trạng nghiện ma túy có xu hướng ngày càng phức tạp, đặc biệt trong giới trẻ. Năm 2016 toàn quốc có trên 200 nghìn người nghiện ma túy và cứ 10 người nghiện thì 7 người ngoài xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề xã hội.
Cũng theo đại biểu Hoa, trung bình mỗi người nghiện tiêu tốn khoảng 230.000 đồng/ngày, với trên 200 nghìn người trên cả nước tiêu tốn 46 tỷ đồng/ngày. Năm 2012 tổng ngân sách nhà nước chi cho 123 trung tâm cai nghiện trên toàn quốc là hơn 1.000 tỷ. "Nếu không phải chi cho công tác cái nghiện, số tiền đó sẽ xây được thêm nhiều trường học, làm được nhiều việc có ích hơn", bà Hoa nói.
Võ Hải - Nguyễn Hoài