Jonathan Finkelstein - Nhà sáng lập kiêm CEO Credly phân tích, theo phương pháp giáo dục truyền thống, cho dù sinh viên hoàn thành 25%, 50% hoặc 90% chương trình đại học, họ sẽ nhận được cùng một mức công nhận từ trường đại học - chưa tốt nghiệp. Cách làm này tạo ra một kiểu người lao động từng học đại học, không có bằng cấp. Họ là những người đã đầu tư thời gian, công sức để theo học đại học, đạt được một số kỹ năng và năng lực nhất định nhưng không có cách nào để chứng minh những gì họ đã học, hoặc giới thiệu những khả năng này trên thị trường lao động.
Theo Finkelstein, "kỹ năng là tiền tệ của thị trường lao động hiện đại". Nhà tuyển dụng đang áp dụng các hoạt động tuyển dụng và đánh giá thăng tiến dựa trên kỹ năng. Vì vậy, các tổ chức giáo dục cần biết những kỹ năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Ngược lại, nhà tuyển dụng cần hiểu những gì sinh viên đã học, chuyển đổi nó sang các kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu, thông qua những bảng ghi nhận cụ thể từ nhà trường.
Để thích ứng với xu hướng này, các tổ chức giáo dục đang dần chuyển đổi hình thức ghi nhận: cung cấp những chứng nhận có thông tin chi tiết hơn, giúp chuyển đổi các kiến thức đã học được thành các chứng chỉ kỹ năng tại nơi làm việc.
Mô hình mà Credly đang áp dụng giúp chuyển đổi kỹ năng học tập tại các trường đại học sang những chứng chỉ cụ thể. Cách làm này giúp sinh viên tránh được tình trạng đã hoàn thành một số kiến thức nhất định nhưng không được ghi nhận về năng lực bản thân. Khi họ được tổ chức giáo dục chứng nhận sở hữu các nhóm kỹ năng mà doanh nghiệp cần, họ có thêm cơ hội trong thị trường lao động.
Công ty IBM và Đại học Northeastern (Mỹ) là một ví dụ cho cách làm mới này. Chứng nhận được cung cấp cho sinh viên sau khi hoàn thành một số chương trình đào tạo nhất định của IBM. Với các chứng nhận này, người học có thể có thể kiếm chứng chỉ trong một số chương trình cấp bằng thạc sĩ của Đại học Northeastern, rút ngắn thời gian hoàn thành cho sinh viên.
Tại Việt Nam, cách ghi nhận theo chứng chỉ đang được áp dụng tại một số tổ chức giáo dục kiểu mới, như FUNiX - hệ thống giáo dục trực tuyến thuộc Đại học FPT. Đại diện FUNiX chia sẻ, chương trình đào tạo Kỹ sư phần mềm của trường được chia làm 8 học kỳ, tương ứng 8 chứng chỉ riêng biệt. Hoàn thành mỗi học kỳ, sinh viên được cấp chứng chỉ riêng - chính là một kỹ năng nghề CNTT.
Ví dụ, chứng chỉ 2 của FUNiX đào tạo lập trình viên ứng dụng mobile, các kỹ năng là lập trình hướng đối tượng, lập trình di động, phát triển game và giao diện người dùng... Chứng chỉ 6 đào tạo chuyên viên hệ thống CNTT với các kỹ năng như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, hệ điều hành và mạng máy tính.
"Sinh viên hoàn thành 8 chứng chỉ có kiến thức tổng quan về nghề lập trình, nhận bằng Đại học FPT. Ngược lại, sinh viên hoàn thành các chứng chỉ riêng biệt vẫn có đủ cơ sở chứng nhận kỹ năng cho từng nhóm công việc cụ thể và xin việc ngay", đại diện FUNiX chia sẻ.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế trên thế giới, các tổ chức giáo dục đang ghi nhận thực tế số sinh viên đăng ký học đại học giảm sút, do việc dành bốn năm để lấy tấm bằng đại học rồi mới đi làm đang trở thành áp lực với nhiều người học trên thế giới. Jonathan Finkelstein cho rằng, các trường đại học cần nhận ra rằng việc cấp chứng chỉ học thuật sẽ hỗ trợ lực lượng lao động, cung cấp cho sinh viên một cách để tìm ra con đường nhanh và rẻ nhất để học tập và được ghi nhận.
Với FUNiX, cách ghi nhận kết quả học tập theo chứng chỉ giúp sinh viên có lựa chọn đa dạng hơn khi theo học đại học, đồng thời cung cấp cho nhà tuyển dụng bản chứng nhận kỹ năng cụ thể mà sinh viên có được. Điều này giúp sinh viên đạt được mục tiêu "học nhanh - đi làm sớm" theo tiêu chí giáo dục của nhà trường.
Thanh An