Ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam chuyển từ mục tiêu "không có Covid-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ngày 3/10, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn xét nghiệm, cách ly khi người dân đi lại giữa các tỉnh. Theo đó, người từ tỉnh này đến tỉnh khác không phải cách ly tập trung mà được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Trên thực tế nhiều tỉnh, thành đang áp dụng các biện pháp cao hơn hướng dẫn của Bộ Y tế. UBND TP Hải Phòng quy định nếu ai chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc tiêm đủ liều nhưng chưa qua 14 ngày phải cách ly tập trung hai tuần, xét nghiệm 3 lần, tự trả chi phí. Trường hợp được cách ly tại nhà chỉ áp dụng với người già yếu, bệnh lý nặng.
Lãnh đạo TP Hải Phòng lý giải, Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngoài các tỉnh phía Nam thì những địa phương như Hà Nội, Hà Nam chưa khống chế và dập dịch xong. Nguy cơ dịch xâm nhập vào thành phố bằng nhiều con đường vẫn ở mức cao, cần thận trọng khi có người ngoài về địa bàn.
"Nhằm bảo vệ 2,3 triệu dân cùng hàng chục nghìn lao động đến từ tỉnh ngoài, giữ sự ổn định để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng biển quốc tế..., chúng tôi phải kiểm soát chặt trường hợp ra vào, khuyến cáo người dân ở địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 và vùng có dịch hạn chế đi lại", lãnh đạo TP Hải Phòng nói và cho hay, đến nay đã mở cửa nhiều hoạt động, hướng tới liên kết với Quảng Ninh để kích cầu du lịch, dịch vụ.
Đến ngày 4/10, 80% dân số Hải Phòng đã tiêm vaccine mũi một, 30% mũi hai, riêng Đồ Sơn và Cát Bà đạt tỷ lệ 100%. Thành phố đang tăng tốc tiêm vaccine cho người làm việc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Tại Nghệ An, người dân từ các tỉnh phía Nam trở về tới chốt kiểm soát cửa ngõ ở cầu Bến Thủy, TP Vinh, được phân loại thông qua qua khai báo y tế để nắm tình hình tiêm vaccine, từ đó có căn cứ tổ chức cách ly.
Người chưa tiêm vaccine và các trường hợp không đảm bảo an toàn dịch tễ sẽ được cách ly tập trung; người đã tiêm đủ hai mũi vaccine thì cách ly tại nhà. Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Trung giải thích biện pháp này nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trước nguy cơ lây nhiễm từ những người trở về địa phương khác.
Tại Quảng Bình, việc cách ly với người trở về từ địa phương thực hiện Chỉ thị 15 đang khác nhau giữa trong tỉnh và ngoài tỉnh. Với người ngoại tỉnh phải cách ly tại nhà 14 ngày, theo dõi trong 7 ngày tiếp theo. Trong khi đó người trong tỉnh thì chỉ phải theo dõi sức khỏe, không cách ly.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, do người dân về từ các huyện thị trong tỉnh có thể tầm soát được dịch tễ nên cho phép đi lại để phát triển kinh tế. "Với người ngoài về từ địa phương thực hiện Chỉ thị 15, tỉnh khó nắm bắt được tình hình dịch thực tế và yếu tố dịch tễ của họ. Thực tế một số người ngoài tỉnh về từ các tỉnh, thành thực hiện Chỉ thị 15 đã mắc Covid-19", ông Cường cho hay.
Thừa Thiên Huế đang cách ly tập trung người từ TP HCM và các tỉnh phía Nam 14 ngày về địa bàn. Bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh văn phòng tỉnh, nói Huế từng phát hiện nhiều ca nhiễm nCoV do người dân về quê tự phát. Cuối tháng 4 đến nay tỉnh ghi nhận 825 ca nhiễm, đa số là người về từ phía Nam.
"Cách ly tập trung người về từ vùng dịch để đảm bảo cho việc rà soát, phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương được an toàn, không để dịch bùng phát. Lý do quan trọng khác là tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ở địa phương vẫn đang còn quá thấp so với nhiều địa phương khác", bà Trâm lý giải.
Hà Tĩnh nằm trong số địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, xác định cách ly tại nhà "là chủ đạo" trong thời gian tới. Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Sở Y tế nói, việc áp dụng này dựa trên nhiều căn cứ, trong đó ngành y tế nhận thấy cách ly tập trung khi số lượng đông sẽ dẫn đến quá tải, ngoài ra tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo.
"Tỉnh giao các xã họp và rà soát. Người dân trước khi trở về cần thông báo với gia đình, chính quyền sau đó kiểm tra xem họ đủ điều kiện cách ly tại nhà không. Phương án này quan trọng nhất là ý thức người dân, bên cạnh đó là sự vào cuộc của các tổ Covid cộng đồng. Tỉnh đã có nhiều biện pháp siết chặt, giao cho các địa phương phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố", ông Tuấn nói.
Hà Tĩnh có hơn 191.000 người làm việc ngoại tỉnh, trong đó 70% là các tỉnh, thành phía Nam; TP HCM đông nhất với 29.500 người, Bình Dương 23.000, Đồng Nai hơn 10.000... Từ 4/10 đến nay, mỗi ngày có hơn 200 người từ các tỉnh thành phía Nam trở về địa bàn tránh dịch.
Đức Hùng - Giang Chinh - Nguyễn Hải - Võ Thạnh - Hoàng Táo