Ba tỉnh thành từ chối nhận và xin điều chuyển vaccine cho nơi khác là Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa. 10 nơi chưa tiếp nhận số vaccine được phân bổ là Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang.
Tiến sĩ Nguyễn Công Luật, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương báo cáo số liệu này tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế với 63 tỉnh thành hôm 1/6, đồng thời nhận định có số lượng khá lớn vaccine dành cho cả người lớn và trẻ em còn tồn tại ở các địa phương. Nguyên nhân là nhiều người có tâm lý chủ quan, không tiêm vaccine phòng Covid-19 vì thấy tình hình dịch được kiểm soát.
Như tại TP HCM, ngày 2/6, khi họp về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cũng nhìn nhận công tác tiêm chủng trên địa bàn chậm, chủ yếu do tâm lý người dân. Nhiều phụ huynh chưa đồng thuận cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm chủng, do đó chỉ khoảng 50% trẻ tuổi này được tiêm. Công tác tiêm mũi 4 (ở người lớn) cũng khó khăn, chỉ mới có 900 người tiêm - tức tỷ lệ 1%. "Tình hình Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, không ngoại trừ khả năng biến chủng mới xuất hiện khiến dịch tái bùng phát, nếu không có sự bảo vệ của vaccine thì rất nguy hiểm", ông Đức nói và đề nghị các sở Y tế, Thông tin và Truyền thông vận động, thuyết phục người dân tiêm vaccine.
Trả lời VnExpress, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết thêm, nhiều địa phương phản ánh người dân không đồng ý tiêm vaccine liều bổ sung, hay liều nhắc lại vì cho rằng "đã có miễn dịch do đã mắc bệnh". Tiến độ tiêm chủng còn bị tác động tiêu cực bởi thông tin chưa chính xác về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi ba... Tất cả những nguyên nhân này dẫn đến việc một số địa phương chưa tiếp nhận số vaccine được phân bổ ngày 19/5 do khó vận động người dân đi tiêm.
Trong khi đó, với bối cảnh mở cửa "thích ứng Covid", Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý "tiêm chủng hiện nay là bắt buộc để phòng chống dịch bệnh". Do đó, đối với 13 tỉnh chưa nhận vaccine đã được phân bổ, Thứ trưởng Tuyên đề nghị "nhận ngay" - hạn đến ngày 3/6. Những địa phương không nhận vaccine để tiêm chủng, Thứ trưởng yêu cầu UBND tỉnh phải có văn bản cam kết đến Thủ tướng và Bộ Y tế ghi rõ: "Hết đối tượng tiêm, chúng tôi không nhận vaccine nữa, nếu để xảy ra dịch bùng phát thì địa phương sẽ chịu trách nhiệm".
Trường hợp người dân không đồng ý tiêm chủng, chính quyền địa phương yêu cầu ký cam kết tự chi trả chi phí điều trị khi mắc Covid-19 và chịu trách nhiệm nếu làm lây lan dịch bệnh, ông Tuyên đề nghị.
Đây là động thái mạnh mẽ của Bộ Y tế, trước thực tế tiến độ tiêm chủng nói chung đang chậm lại. Tỷ lệ tiêm mũi ba toàn quốc tính đến ngày 29/5 đạt hơn 62%, với tốc độ tiêm trung bình là 100.000 mũi một ngày, tốc độ tiêm chủng cho trẻ em trung bình 94.000 mũi một ngày. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ước tính cả nước còn khoảng 26 triệu người cần tiêm mũi ba, 3-4 triệu trẻ trong diện tiêm, song "rất khó khăn để tiêm chủng hết số lượng này trong tháng 6".
Đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương dẫn khuyến cáo từ nhà sản xuất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ, rằng người đã tiêm chủng đủ các liều cơ bản vẫn cần tiêm nhắc lại. Lý do là miễn dịch do vaccine tạo ra giảm theo thời gian, mọi người vẫn có nguy cơ mắc bệnh hoặc tái nhiễm khi có biến chủng khác xuất hiện.
Chi Lê - Thái Anh