Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước là các tỉnh giáp ranh TP HCM và Bình Dương, vào đầu đợt dịch thứ 4 ghi nhận rất ít ca nhiễm, trong giai đoạn cao điểm dịch được xem là những địa phương chống dịch hiệu quả. Như Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 16/10 bắt đầu giai đoạn "thích ứng an toàn với Covid", tổng số ca nhiễm ghi nhận đến khi ấy là 4.200 ca; tỉnh Bình Phước suốt giai đoạn dịch bùng phát tại TP HCM, Bình Dương, tổng số ca khoảng hơn 1.000. Tuy nhiên, từ cuối tháng 10 đến nay, số ca nhiễm ở các tỉnh này tăng cao.
Theo giới chức các địa phương, nguồn lây từ "bên ngoài vào", ở những người về từ các tỉnh có dịch, lan ra cộng đồng; ngoài ra tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp (khoảng 60-70% dân số trên 18 tuổi). Các tỉnh thắt chặt những biện pháp chống dịch.
Bà Rịa - Vũng Tàu nửa tháng nay số ca nhiễm liên tục tăng 200-500 mỗi ngày. Riêng ngày 23/11, địa phương ghi nhận 709 ca, cao nhất từ trước tới nay. Tổng số ca trong đợt dịch thứ tư của tỉnh lên 10.279. Như vậy, so với ngày 16/10 bắt đầu "thích ứng", tức hơn một tháng, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng hơn 6.000 ca.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh, nguồn lây từ bên ngoài vào địa phương. F0 đã xâm nhập, "ngấm" vào cộng đồng khiến số ca mắc liên tục tăng cao. Từ ngày 25/11, Bà Rịa - Vũng Tàu cách ly, điều trị F0 không triệu chứng hoặc nhẹ tại nhà; đồng thời lập các trạm y tế lưu động, tổ y tế đặc biệt hỗ trợ những địa bàn ca nhiễm cao như TP Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ.
Xã Long Sơn đang là vùng đỏ duy nhất của tỉnh (dịch ở cấp độ 4 - mức nguy cơ rất cao), ghi nhận gần 360 ca nhiễm trong 10 ngày qua. Nguồn lây các ổ dịch ở Long Sơn liên quan một phụ nữ bán rau ở chợ và nam công nhân làm việc trong một dự án. Xã phong tỏa 14 ngày kể từ 23/11. Hai chốt kiểm soát người ra - vào cửa ngõ Long Sơn được thiết lập; tất cả dân được lấy mẫu xét nghiệm; các tổ đi chợ hộ đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.
Đa số người mắc Covid-19 không có triệu chứng. "F0 khởi phát không hề hay biết mình mang virus dẫn đến lây lan nhiều trong cộng đồng", Chủ tịch UBND xã Long Sơn Trương Ngọc Long cho biết.
Bình Thuận hiện ghi nhận gần 500 ca nhiễm mỗi ngày, dịch trên toàn tỉnh ở cấp độ 3, tổng số ca lên hơn 13.000. Trong đó, 4 địa phương cấp độ 4 (vùng đỏ) gồm: Phan Thiết, Tuy Phong, Bắc Bình và đảo Phú Quý.
Covid-19 tăng mạnh trở lại tại tỉnh từ giữa cuối tháng 10, ban đầu khoảng 100 ca mỗi ngày. Đến đầu tháng 11, mỗi ngày toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 ca nhiễm. Giữa tháng 11, số ca mới hàng ngày vượt 400 và gần đây gần 500 ca mỗi ngày. Trưa 24/11, Bình Thuận thêm 470 ca. Đặc biệt, huyện đảo Phú Quý cách đất liền 56 hải lý đang bùng phát dịch phức tạp. Đây là lần đầu tiên đảo Phú Quý xuất hiện Covid-19. Tuần trước, Sở Y tế phải điều động đoàn công tác ra hỗ trợ huyện đảo này kiểm soát dịch.
Trước diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương tập trung kiểm soát chặt việc ra vào của người dân ở những vùng đỏ. Người ra vào vùng đỏ phải đảm bảo đầy đủ hai điều kiện: có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc giấy chứng nhận đã điều trị khỏi Covid-19 không quá 6 tháng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; có các loại giấy thông hành được cấp thẩm quyền cấp.
Ngành y tế tăng cường xét nghiệm sàng lọc những nhóm nguy cơ cao, tầm soát, ngăn chặn nguồn lây; cách ly F1 tại nhà; điều trị tại nhà F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; F0 nặng và trung bình điều trị tại các cơ sở y tế.
Bình Phước một tuần qua ghi nhận thêm hơn 1.850 ca Covid-19; trung bình 232 ca mỗi ngày. 22/11 là ngày địa bàn ghi nhận số ca cao nhất từ trước đến nay, với 384 ca.
Sở Y tế phân tích cơ cấu ca nhiễm, cho thấy không chỉ tập trung ở nhóm người về từ vùng dịch, tài xế và phụ xe, nhóm trong khu cách ly, điều trị, mà xuất hiện nhiều ca trong cộng đồng, khu phong tỏa, khu công nghiệp, khu dân cư.
Lý giải nguyên nhân tăng mạnh số ca nhiễm, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho rằng do tỉnh giáp ranh với Bình Dương, Đồng Nai và trên trục đường nối miền Đông với các tỉnh Tây Nguyên, việc đi lại giữa các vùng dịch với nhau là nguy cơ bùng phát dịch. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 của tỉnh còn thấp (đạt 69% tiêm đủ hai mũi người trên 18 tuổi trở lên).
Tuy vậy, theo bà Trần Tuệ Hiền (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước), địa phương sẽ không mở rộng phong tỏa, phải để cuộc sống người dân cũng như sản xuất được hoạt động bình thường theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Thay vì vậy, địa phương tăng cường kiểm soát, chống lây lan dịch ngay từ bên trong; nâng cao công tác chữa trị, nhân rộng phương án điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; đồng thời nhanh chóng phủ vaccine.
Tỉnh Tây Ninh giáp ranh Bình Phước, Bình Dương và TP HCM, ngày 24/11 ghi nhận 620 ca Covid-19, tổng số nhiễm lên hơn 21.000 ca. Trung bình 7 ngày qua, tỉnh mỗi ngày ghi nhận 525 ca.
Theo đại diện Sở Y tế Tây Ninh, ca nhiễm tăng nhanh ở các khu vực có đông dân cư đô thị, công nhân trong các khu công nghiệp do việc mở cửa, đi làm trở lại. Đồng thời, nhiều người chủ quan, lơ là phòng dịch, không tuân thủ 5K. Ngoài ra, so với các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, TP HCM... thì tỷ lệ tiêm vaccine của tỉnh tương đối thấp, đến nay chỉ có hơn 70% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi.
Tương tự, các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng... ca nhiễm đang có xu hướng tăng. Chính quyền các tỉnh này siết chặt các hoạt động để kiềm chế đà lây lan.
Tại Bạc Liêu, người mắc Covid-19 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, người đã tiêm đủ 2 liều vaccine, người đã tiêm liều một trên 14 ngày và trường hợp đi tiêm vaccine, mới được phép ra khỏi nhà. Từ 20h hôm trước đến 4h hôm sau mọi người không được ra đường, trừ trường hợp có yêu cầu công vụ hoặc công tác phòng chống dịch; cấp cứu y tế; xử lý các sự cố khẩn cấp...
Tối 24/11, Bộ Y tế công bố 11.789 ca nhiễm tại 59 tỉnh thành. Trong đó, 7 tỉnh thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày hơn 500, đều ở phía Nam, gồm: TP HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.
Trong cuộc họp sơ kết công tác điều trị Covid-19, sáng 25/11, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sẽ thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương, căn cứ vào số bệnh nhân nhập viện, số nặng và số ca tử vong, thay vì đánh giá theo 3 tiêu chí hiện nay là tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Nhóm phóng viên