Ngày 2/8, lãnh đạo Quảng Bình cho hay tỉnh đã thiết lập đường dây nóng (18008073) để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người dân tỉnh này đang ở TP HCM và các tỉnh phía Nam khi có yêu cầu; trước mắt sẽ hỗ trợ số tiền một triệu đồng mỗi hộ dân gặp khó khăn.
Mức hỗ trợ này nhằm góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 và Công điện của Thủ tướng, trong đó yêu cầu không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).
Tỉnh Thanh Hóa tạm dừng tiếp nhận người dân từ vùng có dịch Covid-19, đang thực hiện giãn cách xã hội kể từ 0h ngày 1/8.
Với kế hoạch trước đây đón 1.000 người Thanh Hóa từ TP HCM về quê, tỉnh sẽ phối hợp với UBND TP HCM báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo sau.
Thanh Hóa trích 5 tỷ đồng thông qua Hội đồng hương tại TP HCM hỗ trợ cho người dân hoàn cảnh khó khăn một triệu đồng mỗi hộ.
Tỉnh Quảng Trị khảo sát được gần 3.000 người xin về quê, chủ yếu ở TP HCM, số ít ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay tỉnh mới đón 384 người.
Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch tỉnh, cho biết Quảng Trị khuyến khích, động viên người dân ở lại các tỉnh thành phía Nam. "Người về tự phát có thể gặp nguy hiểm dọc đường, ngoài ra còn làm xáo trộn các hoạt động chống dịch của địa phương", ông Nam nói.
Theo bà Dương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Quảng Trị, tỉnh đang xem xét hỗ trợ tiền mặt và nhu yếu phẩm cho những người dân ở lại các tỉnh, thành phía Nam.
"Nếu người dân ở lại và nhận tiền hỗ trợ thì an toàn, đỡ tốn kém, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tỉnh tính toán khoản hỗ trợ phù hợp ngân sách và thấp hơn so với mức khi đưa về", đại diện Sở Tài chính Quảng Trị nói và cho hay nếu đón người dân về quê, tỉnh phải chi 7 đến 8 triệu đồng một người cho việc cách ly 14 ngày.
Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam đang xem xét kế hoạch phối hợp với TP HCM đón người dân về quê.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết thời gian tới tỉnh này tiếp tục đón người dân về bằng ôtô, máy bay và tàu hỏa nhưng "tùy theo nhu cầu của người dân".
"Tôi nghĩ lúc này, nghĩa tình đồng bào cần được phát huy nhưng phải trong khuôn khổ quy định của Chính phủ", ông Thanh nói và nhấn mạnh người dân không nên về tự phát bằng phương tiện cá nhân, nhất là xe máy như thời gian vừa qua.
Một lãnh đạo Hà Tĩnh nói hiện người dân ở TP HCM có nhu cầu về quê tránh dịch rất nhiều, "quan điểm của tỉnh tiếp tục đón bà con về, nhưng phải thảo luận kỹ với các địa phương liên quan, tốt nhất là đón bằng máy bay".
Tỉnh Nghệ An đã ghi nhận hơn 10.000 người đăng ký về quê và dự kiến lượt đón đầu tiên vào đầu tháng 8 với khoảng 1.000 người (bằng máy bay), chia làm 2 nhóm.
Trong đó nhóm một ưu tiên những người ốm đau, phụ nữ mang thai, trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật với tổng khoảng 600 người về, miễn phí tiền vé. Nhóm 2 là những người có điều kiện sẽ tự trả kinh phí mua vé.
Ngày 31/7, Thủ tướng ra công điện về chống dịch, trong đó yêu cầu các tỉnh, thành vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách "ai ở đâu ở đấy".
Các địa phương tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Xuân Hoa