Bệnh nhân điều trị ở khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đến nay được hơn một tuần. Em bé chào đời nặng 1,5 kg, được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khu hồi sức và Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương những ngày gần đây được mở rộng gấp 4 lần so với trước. Hơn 80 bệnh nhân nặng đang thở máy và can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi ngoài cơ thể), ngoài ra hơn 100 F0 phải thở oxy ở các mức độ khác nhau. Trong số đó, không ít bệnh nhân mang thai, chưa tiêm vaccine Covid-19.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (cơ sở Cảm Hội) đang điều trị hơn 100 thai phụ mắc Covid-19, trong đó đến 70% chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều. Bác sĩ cho biết nhiều người tự test nhanh dương tính nhưng không nhập viện, tự theo dõi tại nhà, chỉ vào viện khi bệnh đã nặng lên.
Trả lời VnExpress ngày 24/1, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), cho biết điều trị cho thai phụ mắc Covid-19 khó khăn hơn nhiều so với bệnh nhân thường. Ví dụ cùng mức độ tổn thương phổi, song sức chịu đựng của thai phụ yếu hơn so với người bình thường. Một số thuốc kháng virus không được sử dụng trên phụ nữ có thai, bác sĩ phải tìm các phương án điều trị khác mà vẫn đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Theo bác sĩ Cấp, thai phụ phải được hỗ trợ oxy cao hơn so bình thường, do cơ thể cần lượng oxy đủ cho nhu cầu của cả mẹ và thai nhi. Người bình thường có thể chỉ cần độ bão hòa oxy máu trên 92% đã đủ an toàn, thì ở thai phụ ngưỡng này phải trên 95%. Vì vậy, các kỹ thuật để đảm bảo oxy cho thai phụ cũng đòi hỏi mức độ can thiệp cao hơn. Thai phụ thở máy cũng gặp khó khăn hơn do thai đè đẩy chèn ép làm giảm dung tích phổi; hoặc phải sử dụng kèm các thuốc an thần, giảm đau để không gây độc tính cho thai nhi.
Trường hợp các biện pháp hỗ trợ hô hấp không đảm bảo giữ được mức oxy trong máu thai phụ, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ sớm để giữ an toàn cho cả mẹ và con. "Tuy nhiên, quá trình nuôi dưỡng một trẻ sinh non yếu sẽ rất khó khăn, không phải trường hợp nào cũng sống được và phát triển khỏe mạnh bình thường như trẻ sinh đủ tháng", bác sĩ Cấp nói.
Bác sĩ Cấp cho rằng nhiều thai phụ không tiêm chủng thường do lo ngại vaccine ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Trên thực tế, nhiều vaccine Covid-19 đã được nghiên cứu và cấp phép sử dụng trên phụ nữ có thai. "Ích lợi bảo vệ của vaccine đối với Covid-19 đã tương đối rõ ràng, trong khi đó thai phụ không tiêm vaccine đối diện với nhiều nguy cơ bệnh trở nặng. Do đó, thai phụ nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 khi đủ điều kiện", bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Chi Lê