Một hội thảo quốc tế có tên Việt Nam đương đại: Văn chương, điện ảnh và ngôn ngữ sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 17 đến 19/3 tại Hội trường Học viện Inalco, Paris. Với mong muốn khảo sát tình hình nghiên cứu và giới thiệu văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ Việt Nam đương đại trên thế giới, chương trình là nơi gặp gỡ, trao đổi, thảo luận của hơn 50 nhà nghiên cứu văn học, phê bình điện ảnh, ngôn ngữ học, dịch giả.
Các hoạt động về văn học được tổ chức dưới dạng bàn tròn, tham luận, đọc sách, giới thiệu sách... với các nội dung như Một thế hệ văn chương mới: đề tài và lối viết; Văn học Việt Nam trên thế giới: dịch, giới thiệu và tiếp nhận; Văn học hải ngoại: sự đa dạng và những đặc điểm.
Một cuộc tọa đàm quanh đề tài Văn học nữ Việt Nam trong thời toàn cầu hóa sẽ diễn ra lúc 18h30 ngày 21/3 tại thư viện Jean - Pierre Melville (quận 13, Paris). Các diễn giả của tọa đàm gồm: nhà văn Phong Điệp, nhà văn Thuận và dịch giả - nhà nghiên cứu Đoàn Cầm Thi sẽ bàn luận về những vấn đề như: toàn cầu hóa ảnh hưởng thế nào đến sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam; Trong một xã hội Việt Nam đang biến đổi, nhà văn nữ phiêu lưu trên những nẻo đường nào, giữa cuộc đi tìm bản thể và những hình thức khác nhau của văn hóa mạng?
Ngày 22/3, 6 nghệ sĩ, nhà văn và dịch giả sẽ trò chuyện trong một bàn tròn với đề tài Sài Gòn giữa văn chương và hình ảnh. Tại đây, đạo diễn Trần Anh Hùng bình luận một số trích đoạn phim Xích lô đã đoạt giải thưởng Sư tử Vàng 1995. Dịch giả Đoàn Cầm Thi nói về nhóm Thơ trẻ Sài Gòn với những cách tân quyết liệt và táo bạo. Nhà văn Thuận giới thiệu tiểu thuyết mới nhất của chị, Thang máy sài Gòn. Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet giới thiệu bộ ảnh của anh về một Sài Gòn đa văn hóa...
Bên cạnh các hoạt động hội thảo, tọa đàm, bàn tròn, bốn tiểu thuyết của Việt Nam và viết về Việt Nam cũng được phát hành bản tiếng Pháp trong dịp này. Các cuốn sách đều nằm trong tủ sách Văn học Việt Nam đương đại của NXB Riveneuve, gồm: Saigon samedi của Đỗ Khiêm, bản tiếng Pháp các cuốn: Thọat kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương, Blogger của Phong Điệp và Song Song của Vũ Đình Giang.
Hiền Đỗ