Lễ khai mạc sẽ diễn ra tối 19/4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, giới thiệu nhiều không gian văn hóa đọc. Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM - cho biết chương trình là một trong những hoạt động lớn nhất từ trước đến nay của ngành xuất bản thành phố. Sự kiện kéo dài từ ngày 19 đến 24/4, do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Cục Xuất bản, In và Phát hành, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM thực hiện.
Không gian tại phố đi bộ Nguyễn Huệ được chia làm ba phần. Điểm nhấn của sự kiện là triển lãm chuyển đổi số - giới thiệu mô hình sách nói, điện tử, trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo. Theo ban tổ chức, đây là một trong những nội dung trọng tâm, góp phần xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh.
Không gian Thành phố sách được dựng lên để giới thiệu các ấn phẩm đa dạng thể loại, từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến kỹ năng sống. Ban tổ chức cũng tổ chức giao lưu với các tác giả, tọa đàm chuyên đề về sách. Độc giả mê điện ảnh có cơ hội tham gia các buổi giao lưu về nhạc phim chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM - cho biết nhiều khu vực tại sự kiện mang đậm tinh thần dân gian. Cổng chào được thiết kế đặc trưng theo văn hóa Nam bộ, cùng các mô hình lớp học xưa, hoạt cảnh thầy đồ - con trẻ. Các thầy đồ sẽ viết thư pháp, câu đối tặng người dân đến thăm. Hơn 40 đầu sách quý hiếm của Thư viện TP HCM cùng kỹ thuật bảo tồn, khôi phục sách xưa được giới thiệu.
Không gian biển đảo Việt Nam với nhiều bản đồ giá trị về chủ quyền, triển lãm giới thiệu thói quen đọc sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều tư liệu quý... cũng được trưng bày. Theo ông Nam, từ năm 2019, Sở đã có kinh nghiệm tổ chức các ngày tôn vinh văn hóa đọc mỗi năm, do đó đơn vị không gặp khó khăn khi phối hợp triển khai ngày Sách Việt Nam.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành - nói ban tổ chức chọn TP HCM cho ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần một vì ngoài Hà Nội, nơi đây là trung tâm phát triển về ngành sách và văn hóa đọc của cả nước. Ngoài ra, sau một năm bị ảnh hưởng bởi dịch, thành phố đang từng bước hồi phục. Ông Nguyên kỳ vọng sự kiện cổ vũ, động viên ngành xuất bản, tạo ra những bước chuyển mới về văn hóa đọc.
Ngoài không gian triển lãm, nhiều hoạt động nghệ thuật bên lề được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Vẽ tiếp ước mơ là đêm nhạc thiếu nhi mở màn cho chuỗi sự kiện, với sự góp mặt của Gia Khiêm, Nhã Thy, Bella Vũ, Bào Ngư, Gia Hân... diễn ra ngày 19/4. Đêm nhạc phim chuyển thể từ văn học ngày 21/4 quy tụ Phan Mạnh Quỳnh, Phương Thanh, Phương Mỹ Chi... Show nhạc Trịnh Nối vòng tay lớn ngày 24/4 tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với sự tham gia của Cẩm Vân, Hồ Trung Dũng, Lê Hiếu, Wowy, Bùi Lan Hương...
Ở Hà Nội, nhiều đơn vị xuất bản tổ chức các buổi giao lưu, ra mắt để hưởng ứng ngày lễ. Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu cuốn Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời (chiều 19/4), ra mắt Truyền kỳ mạn lục, Nam hải dị nhân liệt truyện với sự tham gia của họa sĩ Tạ Huy Long (sáng 23/4)... Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức hội thảo xây dựng tủ sách gia đình (sáng 19/4), tọa đàm Nữ quyền cho mọi người (tối 20/4)...
Ngoài các hoạt động trực tiếp, hội sách trực tuyến diễn ra trên sàn book365.vn từ ngày 19/4 đến 20/5. 100 đơn vị xuất bản, phát hành sẽ giới thiệu khoảng 40.000 đầu sách. Ban tổ chức triển khai nhiều chương trình giảm giá, miễn phí giao hàng, kèm quà tặng, trợ giá cho các độc giả vùng sâu, vùng xa. Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phát động tháng đọc sách ở nhiều địa phương, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sách online.
Ngày sách Việt Nam được tổ chức lần đầu năm 2014. Ba năm sau, Chính phủ đổi tên thành Ngày sách và Văn hóa đọc, nhằm lan tỏa thói quen đọc sách trong xã hội. Năm nay, sự kiện mới được tổ chức trên cả nước, sau hai năm trì hoãn vì dịch.
Mai Nhật - Hà Thu