Mahak Vohra, người sáng lập công ty Jamocha Media và dự án Skillbank tại Mỹ vừa quyết định từ chức để đi làm thuê.
"Thật thư giãn khi có người giao nhiệm vụ thay vì phải điều khiển người khác", "cựu" CEO nói.
Mahak Vohra từng là gương mặt nổi bật trong giới khởi nghiệp. Cô bỏ học năm 2016 để thành lập một công ty truyền thông và xây dựng thương hiệu cá nhân tên Jamocha Media. Sau đó, cô tiếp tục xây dựng chương trình đạo tạo tiếp thị trực tuyến Skillbank.
Đầu năm 2024, sau khi đóng cửa Skillbank, người phụ nữ này ứng tuyển vào một công ty công nghệ lớn với vị trí trưởng bộ phận marketing. Đây là lần đầu tiên Vohra làm nhân viên thay vì chủ doanh nghiệp.
Không chỉ Vohra, nhiều nhà sáng lập khác cũng đang phải đối mặt với tình cảnh tương tự. Theo dữ liệu từ Pitchbook, hơn 3.200 công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm đã phá sản trong năm ngoái. Con số này dự kiến còn cao hơn trong năm nay khi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ.
Ishita Arora, người sáng lập và CEO của Dayslice, công cụ lập trình cho các doanh nghiệp dịch vụ đã huy động đầu tư được 6 triệu USD cho biết: "Ý tưởng trở thành một nhà sáng lập rất hấp dẫn cho đến khi bạn bắt tay thực hiện".
Cuối năm ngoái khi nhận thấy công ty không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, Arora đã đóng cửa Dayslice và trả lại số tiền thừa cho các nhà đầu tư.
Hiện Arora là một trong 50 nhân viên của Instrument - nền tảng cho các tổ chức phi lợi nhuận. Từ ngày trở thành nhân viên người đàn ông này được ngủ đủ giấc, có thời gian tận hưởng cuối tuần.
Chưa kể, mức lương với vị trí nhân viên cũng cao hơn đáng kể, ít nhất là gấp đôi so với thu nhập của các nhà sáng lập bởi hầu hết tiền lương của họ đều đầu tư vào cổ phiếu.
"Nhiều bạn bè của tôi đang điều hành công ty riêng và luôn có mong ước được trở thành nhân viên. Bây giờ tôi có thể tiết kiệm và tự thưởng cho mình nhiều hơn, ngay cả những điều nhỏ nhất như đi massage", cựu CEO Mahak Vohra nói.
Nhớ về cảm giác ở vai trò giám đốc điều hành, Jacek Prus, người xây dựng hai công ty thực phẩm bền vững ở San Francisco, bang California (Mỹ), nói cảm thấy cô đơn.
"Ở vị trí quản lý bạn là người duy nhất đưa ra quyết định. Nhưng ở vị trí nhân viên, bạn chẳng cần phải bận tâm điều đó", Prus, giám đốc phát triển cấp cao tại Farmed Animal Funders - tổ chức hợp tác tài trợ phi tập trung chia sẻ.
Không phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến đêm, hưởng nhiều chế độ đãi ngộ tốt nhưng hầu hết các CEO đều nhớ về thời gian được quay cuồng. Không ít người dự định sẽ thành lập một công ty khác vào thời điểm thuận lợi.
Sri Chandrasekar, đối tác quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm Point72 Ventures, cho biết khi con người đã quen với sự tự chủ, làm việc trong một công ty lớn có thể khiến họ cảm thấy mọi thứ chậm chạm. Một trong những điều đó là việc muốn làm điều gì đều phải thông qua các cấp xét duyệt.
"Những người sinh ra làm doanh nhân thì sớm muộn sẽ quay lại vị trí sáng lập bởi họ không muốn làm việc cho ai khác ngoài mình", Sri nói.
Như với Mahak Vohra, dù đang làm nhân viên nhưng cô vẫn thích tự xây dựng công việc của riêng mình và hoàn toàn làm chủ nó. Người phụ nữ nào cho rằng dù phải từ bỏ đam mê để làm nhân viên nhưng bản thân đang tận dụng thời gian để tích lũy mọi kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp lại.
Một nhà khởi nghiệp khác cho biết đang giữ lối sống tiết kiệm dù hưởng mức lương cao gấp ba lần từ vị trí nhân viên. Nhưng anh nói không muốn bị "mắc kẹt" trong sự an nhàn mà vẫn khao khát được tiếp tục hành trình khởi nghiệp và tạo ra những giá trị mới.
Minh Phương (Theo Business Insider)