Vấn đề này được Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan 6 dự án hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) để đổi quỹ đất sân bay Nha Trang giao doanh nghiệp, ngày 30/6.
Đối với 3 dự án BT được UBND tỉnh giao Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) thực hiện năm 2016, tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ cho là có nhiều vi phạm, làm tăng mức đầu tư lên 500 tỷ đồng.
Theo hợp đồng, doanh nghiệp này thực hiện 3 dự án: các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang; nút giao thông Ngọc Hội; đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội. Đổi lại, doanh nghiệp được hoàn quỹ đất hơn 19 ha tại sân bay Nha Trang để thực hiện dự án Khu trung tâm đô thị, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (giá trị quỹ đất lúc đó là tạm tính).
Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND Khánh Hòa vi phạm khi thực hiện không đầy đủ cam kết theo nội dung tờ trình ngày 14/6/2016 đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc - cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.
UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận đất từ Bộ Quốc phòng, đồng thời bàn giao cho Công ty Phúc Sơn (tháng 2/2015) khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, và cho thuê đất là không đúng quy định.
Quá trình trình thực hiện, 3 dự án này không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng theo kế hoạch đề ra là cuối năm 2017, và gia hạn tới tháng 6 năm nay. Tới thời điểm thanh tra (hơn 9 tháng trước), chủ đầu tư các dự án này mới thi công đạt 27% khối lượng xây lắp. Như vậy là không thực hiện đúng tiêu chí công trình cấp bách để áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư.
Các dự án này còn bị xác định sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng, và đưa một số hạng mục vào dự án đầu tư chưa đúng quy định. Đây là nguyên nhân làm tăng mức đầu tư 3 dự án lên 500 tỷ đồng.
Từ đó, Thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 2014-2019) kiểm điểm và đề xuất hình thức xử lý. Việc này cũng được kiến nghị đối với Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; UBND TP Nha Trang; Văn phòng UBND TP Nha Trang; Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Ban quản lý dự án có liên quan... để làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân và Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn.
Trả lời VnExpress, ông Phạm Ngọc Cương (Phó tổng Giám đốc Công ty Phúc Sơn) cho rằng, Thanh tra Chính phủ công bố kết quả thanh tra các dự án đã giúp cho doanh nghiệp phát hiện được những vướng mắc về thủ tục pháp lý, tạo thuận lợi để phát triển.
Theo ông Cương, khi ký hợp đồng với tỉnh để thực hiện các công trình giao thông, doanh nghiệp đã bỏ tiền để thực hiện dự án, và nhận lại đất tại sân bay Nha Trang, giá đất lúc đó là tạm tính.
Về việc 3 dự án chậm tiến độ hoàn thành so với kế hoạch, doanh nghiệp không thiếu vốn mà do không có mặt bằng để thực hiện. Bởi nhà đầu tư phải phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong khu vực dự án. "Sau thanh tra, công ty ổn định các thủ tục và sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành", ông Cương nói.
Đối với 3 dự án BT khác, Thanh tra cũng chỉ ra một số vi phạm. Các dự án gồm: làm đường Số 4 (Công ty cổ phần VCN thực hiện); đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài TP Nha Trang (do Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holding làm); dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực Bắc Bán đảo Cam Ranh (liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ môi trường Incotec và Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Ngọc Minh UDIC thực hiện).
Theo đó, quá trình thực hiện 3 dự án trên có một số vi phạm về thủ tục như: phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, ký hợp đồng khi chưa có quỹ đất thanh toán (quỹ đất thanh toán dự kiến chưa được Bộ Quốc phòng bàn giao); chưa xác định được giá trị quỹ đất thanh toán theo nguyên tắc ngang giá.
Tại thời điểm thanh tra, 3 dự án đã cơ bản hoàn thành (hai dự án đã được đưa vào sử dụng, dự án còn lại hoàn thành 80%), nhưng chưa có quỹ đất để thanh toán. Thanh tra cho rằng các sở ngành tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu, đề xuất vị trí đất thanh toán, trình Thủ tướng phê duyệt. Các nhà đầu tư cùng những đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục để đưa các công trình vào sử dụng. Với 2 dự án chưa quyết toán phải kiểm tra lại đơn giá, định mức, biện pháp thi công, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng... đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước.
Ngoài 6 dự án BT này, tháng 11/2020, Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra nhiều vi phạm của Khánh Hoà trong việc đổi đất "vàng" giai đoạn 2010-2017, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hoà kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.
Trong đó, hơn 7.300 m2 đất trường Chính trị cũ trên đường Trần Hưng Đạo cho Công ty Cổ phần Thanh Yến thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao); hơn 20.000 m2 nằm giáp biển đường Trần Phú cũng bị giao (Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang) làm dự án Nha Trang Golden Gate; hàng trăm ha đất trên núi cho doanh nghiệp làm dự án, băm nát núi Chín Khúc...
Liên quan các sai phạm, hôm 8/6 ông Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016); ông Lê Đức Vinh (56 tuổi, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021) và ông Lê Mộng Điệp (66 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016) đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 BLHS.
Cùng hành vi trên, hồi tháng 5, cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa ông Đào Công Thiên, 59 tuổi và nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ông Võ Tấn Thái, 60 tuổi, bị khởi tố, bắt tạm giam.
Mới đây, UBND tỉnh đưa ra kế hoạch định lại giá đất của 351 dự án, tổng diện tích hơn hơn 3.633 ha trên địa bàn đã giao doanh nghiệp, để làm rõ có hay không thất thoát ngân sách, thu hồi tải sản thất thoát, cũng như khắc phục những tồn tại trước đó.
Xuân Ngọc